Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa vừa ban hành văn bản số 273 về tăng cường quản lý chứng thư số trong giao dịch điện tử với KBNN. Điều này để bảo đảm an toàn giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính theo quy định Luật Giao dịch điện tử, Luật Kế toán, Nghị định số 165/2018 ngày 24-12-2018 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính, ....
Kho bạc Nhà nước (KBNN) Khánh Hòa vừa ban hành văn bản số 273 về tăng cường quản lý chứng thư số trong giao dịch điện tử với KBNN. Điều này để bảo đảm an toàn giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính theo quy định Luật Giao dịch điện tử, Luật Kế toán, Nghị định số 165/2018 ngày 24-12-2018 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính, Thông tư số 185/2019 ngày 4-12-2019 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ và các quy định pháp luật liên quan về bảo vệ thông tin cá nhân trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của KBNN cung cấp; với mục tiêu tạo thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách có thể giao dịch 24/7 (kể cả ngày nghỉ, lễ) tại bất cứ địa điểm nào có kết nối Internet, giảm thời gian đi lại và giảm chi phí hoạt động cho các đơn vị; đồng thời, tuân thủ quy định an toàn thông tin trong giao dịch chi ngân sách với KBNN.
Theo đó, KBNN Khánh Hòa đề nghị thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư cần quản lý chặt chẽ việc sử dụng chữ ký số, chứng thư số (Token), user, mật khẩu vào tài khoản chương trình DVCTT được cấp để giao dịch gửi hồ sơ kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua hệ thống DVCTT của KBNN, bảo đảm nâng cao tính bảo mật theo quy định; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giao chữ ký số, chứng thư số, tài khoản chương trình DVCTT của mình cho người khác quản lý, sử dụng hoặc để lộ thông tin về mật khẩu chứng thư số, tài khoản đăng nhập của các thành viên trong đơn vị trên hệ thống DVCTT của KBNN. Thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư chịu trách nhiệm hoàn toàn về các thông tin đăng ký giao dịch, đặc biệt là thông tin về email nhận thông báo từ hệ thống; thực hiện cài đặt và sử dụng chương trình cảnh báo rủi ro của KBNN trên thiết bị di động để giám sát các khoản chi ngân sách nhà nước của đơn vị, kịp thời phát hiện và thông báo cho KBNN nơi giao dịch các khoản chi bất thường. Bên cạnh đó, các đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động giao dịch điện tử nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức của đơn vị trong việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số, tài khoản trong giao dịch thu, chi ngân sách.
Hiệu quả sử dụng DVCTT là mục tiêu cải cách hành chính của hệ thống KBNN, hướng tới nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng. Việc chủ động cảnh báo rủi ro trong hoạt động giao dịch giữa đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước với KBNN, đặc biệt là công tác quản lý, sử dụng chứng thư số, chữ ký số, thanh toán điện tử từ các đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước là điểm mạnh trong công tác phối hợp giữa KBNN Khánh Hòa và các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn. Đẩy mạnh và duy trì 100% đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện giao dịch qua DVCTT của KBNN cũng là một trong những định hướng Chiến lược phát triển hệ thống KBNN đến năm 2030 và là phương pháp giao dịch hiệu quả trong tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Lê Tống Như Giang