11:03, 25/03/2021

Kênh dẫn vốn hiệu quả đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa

Từ tháng 11-2018, Agribank Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa triển khai điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng tại 2 xã của huyện Cam Lâm...

Từ tháng 11-2018, Agribank Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa triển khai điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng tại 2 xã của huyện Cam Lâm vừa giúp ngân hàng mở rộng mạng lưới hoạt động đến cơ sở, vừa giúp người dân khu vực nông thôn xa trung tâm huyện thuận lợi tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Tính đến cuối tháng 2-2021, Agribank Chi nhánh huyện Cam Lâm đã tổ chức được 265 phiên giao dịch, phục vụ cho 13.558 lượt khách hàng.
 
Thuận tiện cho người dân 
 
Chúng tôi có mặt tại điểm giao dịch lưu động ở UBND xã Cam Hiệp Nam vào sáng thứ Ba. Điểm giao dịch chỉ có 3 cán bộ, nhân viên Agribank gồm: 1 trưởng điểm, 1 giao dịch viên, 1 cán bộ tín dụng; hoạt động giao dịch chủ yếu thực hiện trên xe ô tô chuyên dùng. Tuy gọn nhẹ nhưng điểm giao dịch bảo đảm cung cấp đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Người dân trong xã Cam Hiệp Nam và các xã lân cận không phải đi xa cũng tiếp cận được các dịch vụ của Agribank. 

 

Khách hàng giao dịch tại điểm giao dịch lưu động xã Cam Hiệp Nam.
Khách hàng giao dịch tại điểm giao dịch lưu động xã Cam Hiệp Nam.
 
Ông Nguyễn Ngọc Khuyên (thôn Cửa Tùng, xã Cam An Bắc) tới điểm giao dịch lưu động nhận 30 triệu đồng vốn vay phục vụ chăn nuôi bò. Ông Khuyên cho biết: “Trước đây, muốn giao dịch ngân hàng tôi đều phải đến thị trấn Cam Đức. Tuy nhiên, khi Agribank Chi nhánh huyện Cam Lâm triển khai điểm giao dịch tại xã Cam Hiệp Nam vào thứ Ba hàng tuần, tôi thấy rất thuận tiện khi đến đây giao dịch, vừa đỡ được quãng đường đi lại khoảng 7-8 km; vừa được các cán bộ Agribank hướng dẫn nhiệt tình thủ tục vay và giải ngân nhanh chóng”. 
 
Vợ chồng ông bà Hoàng Văn Cường - Nguyễn Thị Tuyết (thôn Cửa Tùng, xã Cam An Bắc) được giải ngân 60 triệu đồng vốn vay để chăm sóc xoài. Rẫy xoài của gia đình trồng đã 6 năm, vừa cho trái 1 vụ, đang thiếu nguồn nước tưới. Vì vậy, qua tổ vay vốn của Hội Nông dân xã Cam An Bắc, vợ chồng ông Cường vay vốn để đào hồ chứa nước, mắc điện và làm cái nhà nhỏ trông coi rẫy. Từ xã Cam An Bắc đến điểm giao dịch lưu động chỉ tầm 3 km nên đỡ thời gian đi lại. Bà Đỗ Thị Kim Phước (thôn văn Thủy 1, xã Cam Phước Tây) vay 150 triệu đồng để chăn nuôi heo. Trước đây đã từng nuôi heo, có hệ thống chuồng trại sẵn nên bà Phước chọn đầu tư nuôi trở lại bởi thấy giá heo vẫn đang cao. Theo lịch, thứ Năm hàng tuần, Agribank Chi nhánh huyện Cam Lâm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng tại xã Cam Phước Tây. Tuy nhiên, do cần tiền gấp, bà Phước tới điểm giao dịch lưu động tại xã Cam Hiệp Nam nhận vốn vay. Trong buổi sáng, điểm giao dịch lưu động giải ngân 700 triệu đồng vốn cho vay chủ yếu phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: Trồng xoài, nuôi heo, buôn bán. 
 
Đưa vốn về khu vực nông thôn, góp phần hạn chế  “tín dụng đen”
 
Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng được Agribank Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa khai trương từ tháng 11-2018 và giao cho Agribank Chi nhánh huyện Cam Lâm quản lý thực hiện giao dịch 2 ngày/tuần tại 2 điểm: Xã Cam Hiệp Nam vào thứ Ba và xã Cam Phước Tây (cách trung tâm huyện khoảng 20km) vào thứ Năm hàng tuần; phục vụ người dân tại 2 xã có điểm giao dịch và 4 xã lân cận. Điểm giao dịch lưu động cung cấp các dịch vụ bao gồm: Giải ngân các khoản vay đã được phê duyệt; thu nợ gốc, lãi tiền vay từ khách hàng do chi nhánh cho vay trực tiếp hoặc cho vay qua tổ vay vốn; huy động tiết kiệm. Bên cạnh đó, điểm giao dịch lưu động cũng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích ngân hàng khác như: Mở tài khoản, phát hành thẻ, nộp ngân sách nhà nước, chi trả kiều hối, dịch vụ bảo hiểm ngân hàng, dịch vụ thanh toán, E-Mobile banking, Internet Banking…
 
Điểm giao dịch lưu động phục vụ khách hàng tại 6 xã/14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cam Lâm và nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương. Hoạt động của điểm giao dịch lưu động đã ổn định, khách hàng giao dịch ngày càng tăng. Từ tháng 11-2018 đến cuối tháng 2-2021, điểm giao dịch lưu động đã giải ngân 1.867 khoản vay, với tổng số tiền gần 106 tỷ đồng. Trong đó, khách hàng cá nhân vay qua tổ vay vốn gần 94 tỷ đồng; khách hàng cá nhân không vay qua tổ vay vốn gần 12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện thu nợ gốc và lãi tổng số hơn 34 tỷ đồng; huy động tiền gửi tiết kiệm hơn 87 tỷ đồng… 
 
Với kết quả đạt được, thời gian tới, Agribank Chi nhánh huyện Cam Lâm tiếp tục triển khai mô hình hoạt động Điểm giao dịch lưu động với mục tiêu mở rộng mạng lưới tại các xã vùng sâu, vùng xa nhằm giảm bớt thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí và bảo đảm an toàn cho khách hàng; kịp thời đưa đồng vốn đến với các hộ sản xuất, góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen”; đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
 
NAM DU