Thị trường bất động sản phát triển nóng, chứng khoán phục hồi mạnh đã thu hút lượng lớn tiền đổ vào 2 lĩnh vực này. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động huy động vốn của các ngân hàng. Chính vì thế, các ngân hàng đang đặt ra nhiều giải pháp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng vốn huy động năm 2018.
Thị trường bất động sản phát triển nóng, chứng khoán phục hồi mạnh đã thu hút lượng lớn tiền đổ vào 2 lĩnh vực này. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động huy động vốn của các ngân hàng. Chính vì thế, các ngân hàng đang đặt ra nhiều giải pháp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng vốn huy động năm 2018.
Theo đại diện một số chi nhánh ngân hàng lớn trên địa bàn tỉnh, những giải pháp huy động vốn của ngân hàng không phải cạnh tranh bằng lãi suất. Tại BIDV Khánh Hòa, biểu lãi suất huy động đang áp dụng hiện nay không tăng so với biểu lãi suất thời điểm trước và đảm bảo tuân thủ trần lãi suất huy động quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với các khoản dưới 6 tháng từ 4,3 đến 4,8%/năm, còn trên 6 tháng đến 60 tháng lãi suất dao động từ 5,3 đến 7%/năm. Đến nay, kết quả huy động vốn của chi nhánh vẫn tăng đều với tổng vốn huy động cao hơn tổng dư nợ cho vay khoảng 1.500 tỷ đồng. Chi nhánh đề ra các giải pháp: duy trì, chăm sóc khách hàng cũ; tiếp cận, khai thác khách hàng mới; minh bạch, công khai chính sách lãi suất; thủ tục quy trình rõ ràng dễ hiểu; tăng chất lượng phục vụ.
Vietcombank Khánh Hòa tập trung khai thác nguồn tiền nhàn rỗi, huy động vốn không kỳ hạn từ dân cư. Lãi suất huy động vốn của chi nhánh áp dụng hiện nay cho kỳ hạn từ 12 đến dưới 24 tháng 6,4%/năm (trước đây 6,5%/năm). Đến ngày 28-2, tổng vốn huy động của Vietcombank Khánh Hòa đạt hơn 7.665 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt hơn 8.921 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Khánh - Trưởng phòng Khách hàng Vietcombank Nha Trang cho biết, ngân hàng đẩy mạnh huy động nguồn vốn giá rẻ không kỳ hạn từ các tổ chức như: kho bạc nhà nước, các sở, ban, ngành, địa phương; khai thác những nguồn vốn chưa đưa vào sản xuất, kinh doanh; tiếp cận doanh nghiệp có nguồn tiền ký quỹ. Đồng thời, có chương trình khuyến mãi để thu hút lượng tiền gửi, nâng cao chất lượng dịch vụ để người dân yên tâm gửi tiền vào ngân hàng và coi đây là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả.
Năm 2017, vốn huy động toàn tỉnh đạt 73.832 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm; dư nợ cho vay 66.539 tỷ đồng, tăng 29,06%. Năm 2017, thị trường bất động sản phát triển nóng, chứng khoán tăng mạnh đã thu hút lượng tiền lớn đổ vào các lĩnh vực này. Vì vậy, tăng trưởng vốn huy động thấp hơn các năm gần đây. Tuy nhiên, vốn huy động dân cư vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng vốn huy động 71,26% và đạt mức tăng trưởng 16,37%, cao hơn mức tăng trưởng chung. |
Theo ông Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc Agribank Khánh Hòa, đến cuối năm 2017, tổng nguồn vốn huy động của Agribank Khánh Hòa đạt 11.617 tỷ đồng, tăng 13,8% so với đầu năm. Năm 2018, chi nhánh đề ra chỉ tiêu tăng trưởng vốn huy động tối thiểu 14%. Để đạt được chỉ tiêu này, chi nhánh đề ra các giải pháp: đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, chú trọng đúng mức đến hình thức tiền gửi thanh toán thông qua phát triển các sản phẩm dịch vụ; đẩy mạnh phát triển nguồn vốn thông qua quản lý dòng tiền trong tài trợ tín dụng. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng tỷ trọng nguồn vốn có kỳ hạn trên 12 tháng nhằm tạo sự ổn định, bền vững của nguồn vốn phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng trung, dài hạn trong toàn chi nhánh. Đồng thời, sử dụng có hiệu quả công cụ lãi suất, phí nhằm duy trì ổn định với các khách hàng hiện hữu, thu hút, phát triển khách hàng mới; tập trung huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư.
Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, năm 2018, dự báo ngân hàng phải tiếp tục cạnh tranh vốn với thị trường bất động sản và chứng khoán. Để đảm bảo nguồn vốn cho vay và đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng, NHNN chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện các giải pháp: tiếp tục đa dạng sản phẩm huy động vốn nhằm thu hút tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư; phát triển mạng lưới hoạt động đến khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phù hợp với nhu cầu kinh tế tại địa phương và định hướng kinh doanh của TCTD. Bên cạnh các dịch vụ truyền thống, các TCTD đầu tư công nghệ hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ tin học và viễn thông để mở rộng kênh cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, phát triển ngân hàng điện tử, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế. Trong cơ cấu nguồn huy động phải tập trung vào những giải pháp nâng cao nguồn vốn huy động trung và dài hạn để đảm bảo cơ cấu đầu ra của TCTD, vì nếu sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn sẽ tiềm ẩn rủi ro đến thanh khoản.
NAM DU