20:15, 30/05/2024

Tình trạng nuôi biển trái phép: Cần có những giải pháp quyết liệt 

HẢI LĂNG

Hiện nay, tại các địa phương ven biển trong tỉnh đều có tình trạng người dân nuôi trồng thủy sản (NTTS) tự phát, ngoài vùng quy định. Điều này đã dẫn đến nhiều hệ lụy cần phải giải quyết. Để phát triển NTTS một cách bền vững, các địa phương, đơn vị cần quyết liệt xử lý tình trạng đặt lồng bè nuôi tràn lan như hiện nay. 

Tràn lan nuôi tự phát, ngoài vùng quy định

Buổi sáng, làng biển Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) nhộn nhịp người đưa thức ăn ra bè cho tôm, cá nuôi và cả người mang tôm, cá vào bờ để bán. Ông Trương Văn Toàn - người nuôi tôm hùm thâm niên ở vùng biển Đầm Môn, chia sẻ: “Hàng chục năm nay, nghề nuôi tôm hùm, cá biển bằng lồng bè là nghề chính của người dân xã Vạn Thạnh. Thế nhưng, so với trước đây, nghề NTTS bằng lồng bè bây giờ bấp bênh hơn. Gần đây, tôm hùm bông tiêu thụ khó khăn, giá thấp; tôm lại bị dịch bệnh hao hụt nhiều khiến người nuôi như ngồi trên đống lửa”. Nói rồi, ông Toàn chỉ tay về phía vùng nuôi san sát những bè nuôi tôm, nuôi cá không chỉ của người dân địa phương mà người ngoài huyện, ngoài tỉnh cũng đến nuôi. Ông Toàn cho rằng, nhu cầu nuôi biển lớn, trong khi khu vực được phép nuôi không đáp ứng đủ nên dẫn đến việc nuôi ngoài vùng quy hoạch.

Một góc vùng nuôi tôm hùm, cá biển ngoài vùng quy định trên vịnh Cam Ranh
Một góc vùng nuôi tôm hùm, cá biển ngoài khu vực quy định trên vịnh Cam Ranh.

Theo định hướng phát triển của địa phương, diện tích mặt nước biển phục vụ NTTS trên địa bàn Vạn Ninh đang thu hẹp dần. Năm 2018, toàn huyện còn 6 khu vực được phép nuôi, với tổng diện tích 550ha mặt nước; đến năm 2022, theo hướng dẫn khu vực biển NTTS của tỉnh, trên địa bàn thu hẹp 2 khu vực nữa, chỉ còn 4 khu vực được phép nuôi, với tổng diện tích 350ha, gồm: Rạn Trào (120ha), Hòn Vung (50ha), mũi Cổ Cò (60ha), Bãi Nặm - Bãi Sau (120ha). Bên cạnh đó, theo Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng tổ chức không gian NTTS sẽ thu hẹp dần vùng nuôi gần bờ, ở giai đoạn đầu cho phép nuôi tại các vùng nuôi quy định tạm thời; định hướng phát triển dần ra xa bờ. Qua rà soát của địa phương, đến đầu năm 2024, trên địa bàn có 1.352 hộ NTTS bằng lồng bè, với khoảng 42.378 lồng nuôi tôm hùm, cá biển, trong đó có 35.669 lồng nuôi ngoài vùng quy định.

Tại TP. Cam Ranh, việc NTTS trên biển phát triển một cách tự phát với số lượng lớn trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, với số lồng nuôi hiện nay lên đến khoảng 100.000 lồng tôm hùm, cá biển các loại. Hiện nay, diện tích được phép NTTS bằng lồng bè trên địa bàn Cam Ranh chỉ có 257ha, trong đó có 27ha ở khu vực Bình Hưng và 230ha mặt nước phía đông xã Cam Lập. Tại các khu vực này chỉ bố trí được khoảng 10.000 lồng nuôi. Số lượng lồng nuôi trên những diện tích mặt nước còn lại trong vịnh Cam Ranh đều nằm ngoài khu vực được phép nuôi. Trong số gần 2.000 hộ nuôi thủy sản lồng bè tại địa phương này, không có hộ nào được cấp phép.

Theo ông Phan Ngọc Tấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, ngoài 2 địa phương nêu trên, tại các địa phương khác gồm: TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm cũng ghi nhận nhiều trường hợp NTTS bằng lồng bè không đúng vùng quy định. Không chỉ vậy, ở các địa phương trong tỉnh, gần đây còn xuất hiện tình trạng người dân cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất… tràn lan cũng làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Nhiều hệ lụy cần giải quyết

Tình trạng NTTS tràn lan, ngoài vùng được phép nuôi tại các địa phương, nhất là Vạn Ninh, Cam Ranh kéo dài nhiều năm đã để lại nhiều hệ lụy. Chính vì thế, khi đi khảo sát tình hình NTTS tại Cam Ranh, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản đã tỏ ra ái ngại: “Mật độ nuôi quá lớn, số lượng lồng chìm, lồng nổi đặt quá nhiều, quá dày nên nguy cơ dịch bệnh rất cao; ngành thú y sẽ rất khó để kiểm soát một khi dịch bệnh xảy ra. Đó là chưa kể với lồng bè gỗ thiết kế khá đơn giản như hiện nay, nếu có thiên tai thì thiệt hại sẽ rất lớn… Do đó, địa phương cần phải sắp xếp NTTS tại khu vực này theo đúng vùng quy hoạch, tổ chức nuôi theo đúng quy định”. Ông Luân cho rằng, vì nuôi quá dày nên rác thải, xác cá chết không được thu dọn đúng cách sẽ bám vào lồng nuôi trở thành ổ vi khuẩn lây bệnh cho tôm, cá nuôi. Ngoài ra, mỗi ngày, hàng trăm tấn thức ăn tươi đổ xuống vùng nuôi này; qua nhiều năm tích tụ, lượng bùn đọng trong vịnh rất lớn, môi trường vùng nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đại diện Cảng vụ Hàng hải Nha Trang cho hay, có 5/6 khu vực cảng tại Cam Ranh bị ảnh hưởng bởi tình trạng lấn chiếm mặt nước để NTTS; có nhiều lồng bè lấn chiếm tuyến luồng hàng hải, khu neo đậu dành cho tàu thuyền, nhiều trường hợp đã bị xử lý nhưng vi phạm vẫn còn rất nhiều. Trong khi đó, tại khu vực Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) có 16 hộ nuôi tôm hùm đang lấn chiếm vùng nước, khu neo đậu cảng Hòn Khói; cần phải xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm này để tránh nguy cơ va chạm giữa tàu thuyền và lồng bè của người dân.

Tại cuộc họp nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình, kết quả xử lý NTTS không theo quy hoạch vùng nuôi vừa qua, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, những bất cập trong NTTS không theo quy hoạch đã gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường thủy; công tác quản lý vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay… Do đó, cần phải có kế hoạch thực hiện quản lý, cấp phép nuôi trồng, giao khu vực biển để NTTS trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Hòa Nam đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh kế hoạch này. Trong đó, phải xác định rõ khu vực được phép nuôi dài hạn để thực hiện cấp phép NTTS; khu vực nuôi ngắn hạn để tiến tới bắt buộc di dời, xử lý; nghiên cứu các mô hình tổ chức, sắp xếp việc NTTS hiệu quả của các địa phương khác trên địa bàn toàn quốc để áp dụng vào công tác quản lý NTTS trong tỉnh; tham mưu chế tài phù hợp, đủ mạnh, đúng quy định để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

HẢI LĂNG