21:34, 09/04/2023

Khánh Hòa - Điểm sáng về tăng trưởng

Quý I/2023, Khánh Hòa tiếp tục nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng và nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng cao của cả nước.

Nằm trong nhóm 5 địa phương tăng trưởng cao

Quý I, tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả thấp nhất trong 10 năm qua. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tại một số tỉnh trọng điểm về công nghiệp, như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu... sụt giảm sâu, với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) âm từ 2 đến 12%. Bên cạnh đó, các trung tâm kinh tế và công nghiệp lớn của cả nước tăng trưởng thấp: TP. Hồ Chí Minh tăng 0,7%; Bình Dương tăng 1,15%; Đồng Nai tăng 3,25%; Cần Thơ tăng 4,02%; riêng Hà Nội có cao hơn nhưng cũng chỉ tăng 5,8%. 

Hoạt động sản xuất tại Xí nghiệp May Khatoco.
Hoạt động sản xuất tại Xí nghiệp May Khatoco.

Trong bối cảnh đó, tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng của năm 2022 (GRDP của tỉnh tăng 20,7% so với năm 2021 và đứng đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng), quý I/2023, Khánh Hòa nổi lên với mức tăng trưởng 9,07% và là 1 trong 5 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng cao của cả nước (Hậu Giang, Bình Thuận, Hải Phòng, Khánh Hòa, Cà Mau). Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,3%; doanh thu du lịch tăng gấp 3 lần; thu nội địa tăng 7,1%; tổng vốn đầu tư phát triển tăng 12,2%... 

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương những kết quả tích cực, khá toàn diện mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Khánh Hòa đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần nỗ lực nhiều hơn nữa để phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, cũng như sự quan tâm của Trung ương đối với tỉnh; đảm bảo phát triển nhanh và bền vững; đóng vai trò tích cực hơn trong tăng cường liên kết vùng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; triển khai hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các quy hoạch của tỉnh sau khi được phê duyệt

Tiếp tục giữ nhịp 

Để tiếp tục giữ đà tăng trưởng, ngay từ đầu quý II, tỉnh đã triển khai hàng loạt hoạt động, giải pháp mang tính đột phá. Trong đó, chuỗi hoạt động Kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa (1653 - 2023) thực sự tạo được ấn tượng với người dân và du khách. Qua đó, đã giới thiệu, quảng bá rộng rãi tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đặc biệt, tại Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2023, Khánh Hòa thu hút được 116.500 tỷ đồng với những dự án lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là dấu ấn đậm nét cho năm nay - năm “quy hoạch và đầu tư” của tỉnh.

Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, như: Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, kết luận của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Đặc biệt, tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn lại để triển khai thực hiện các chính sách đặc thù cho tỉnh; thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra. 

 

Tinh chế tổ yến tại Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa.

 

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, sở, ngành tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; tập trung triển khai có hiệu quả các quy hoạch; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040; Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045; hoàn thành phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Các sở, ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án công nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn để sớm đưa vào vận hành, gia tăng năng lực sản xuất cho phát triển kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hiện có, như: Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1; Hạ tầng Khu Công nghiệp Ninh Thủy, các cụm công nghiệp: Diên Thọ, Trảng É 2, Ninh Xuân… Bên cạnh đó, tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp, sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm và tạo nguồn thu mới.

 

10 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng cao trong cả nước.

Ông Nguyễn Tấn Tuân cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023. Theo đó, tích cực thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đã đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn thành; thu hút có hiệu quả các dự án đầu tư trọng điểm theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 55 của Quốc hội. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành liên quan nhanh chóng hoàn thành việc tổ chức lại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình mới. 

ĐÌNH LÂM