Giải quyết được hầu hết các vấn đề thường gặp của nuôi trồng thủy sản trong ao, đìa; cá sinh trưởng tốt và được kiểm soát chặt chẽ… là những ưu việt được ghi nhận tại mô hình "sông trong ao" đang triển khai tại xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa.
Giải quyết được hầu hết các vấn đề thường gặp của nuôi trồng thủy sản trong ao, đìa; cá sinh trưởng tốt và được kiểm soát chặt chẽ… là những ưu việt được ghi nhận tại mô hình “sông trong ao” đang triển khai tại xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa.
Tạo dòng chảy trong ao, đìa
Đìa nuôi trồng thủy sản của Công ty TNHH Dịch vụ Sản xuất Thương mại Ngọc Thủy ở thôn Xuân Mỹ (Ninh Thọ) rộng khoảng 1ha, độ sâu nước từ 3 đến 3,5m. Trong đìa có lắp đặt 2 máng nuôi cá nằm song song nhau; mỗi máng dài 30m, rộng 5m, sâu 2,3m. Một đầu của máng được lắp đặt hệ thống tạo bọt và thổi khí; khí cùng với ôxy sẽ hoàn tan vào nước, đưa nước từ độ sâu 2m ở ngoài máng lên trên bề mặt (trộn nước) và đẩy vào trong máng. Đồng thời với quá trình này, dòng nước chảy chạy dọc máng sẽ tạo sự tuần hoàn nước liên tục trong máng và đưa phân, thức ăn dư thừa của đối tượng nuôi đến khu vực cuối máng. Tại đây, hệ thống thu gom chất thải, thức ăn thừa được vận hành, đảm bảo dòng nước sạch trước khi chảy ra ngoài đìa nuôi.
Đây là đề tài khoa học mô hình “sông trong ao” đang được Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Công ty TNHH Dịch vụ Sản xuất Thương mại Ngọc Thủy phối hợp triển khai. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hà - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Sản xuất Thương mại Ngọc Thủy cho biết, bản chất của mô hình này là tạo nên một môi trường nước chảy như dòng sông nhỏ đặt trong một ao nuôi lớn. Nhờ đó, người nuôi thuận tiện trong việc kiểm soát được môi trường nuôi, mức độ sinh trưởng của cá, kiểm soát thức ăn và thu gom chất thải. Đây là những yếu tố quyết định đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cá nuôi, đảm bảo hiệu quả nuôi trồng thủy sản trong ao, đìa.
Theo kỹ sư Nguyễn Thị Hương Thảo - Phó Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đề tài gồm 3 nội dung. Đầu tiên, trung tâm phối hợp với doanh nghiệp xây dựng hệ thống “sông trong ao” và dự thảo quy trình nuôi; tiếp đó là quá trình nuôi thử nghiệm cá chim vây vàng và cá chẽm; sau khi nuôi thử nghiệm tiến hành xây dựng mô hình nuôi để hoàn thiện quy trình.
Được biết, “sông trong ao” là mô hình được áp dụng nhiều trong nuôi cá nước ngọt, phổ biến ở một số tỉnh phía bắc. Tuy nhiên, mô hình này chưa áp dụng đối với nuôi cá nước mặn. Vì vậy, mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Công ty TNHH Dịch vụ Sản xuất Thương mại Ngọc Thủy phối hợp triển khai là mô hình đầu tiên được đưa vào nghiên cứu, nuôi thử nghiệm.
Đối tượng nuôi sinh trưởng tốt
Theo ông Nguyễn Văn Hà, sau quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và chuẩn bị ao nuôi, con giống, ngày 20-7, công ty thả nuôi 16.500 con cá chim giống, trọng lượng 100-140g/con vào 1 máng nuôi và 16.500 con cá chẽm giống, trọng lượng 33-63g/con thả vào máng còn lại. Sau gần 2 tháng nuôi, đến ngày 10-9, cá chim đạt trọng lượng 3 lạng/con, cá chẽm hơn 1 lạng/con; cá nuôi sinh trưởng tốt, dự kiến sau 10 tháng nuôi, cá sẽ đạt kích cỡ thu hoạch (cá chim là 7 lạng/con, cá chẽm là 1,2kg/con).
Kỹ sư Nguyễn Thị Hương Thảo cho biết, bên cạnh những ưu điểm, mô hình này đòi hỏi mức đầu tư ban đầu khá lớn. Chi phí đầu tư ban đầu đối với mô hình của Công ty TNHH Dịch vụ Sản xuất Thương mại Ngọc Thủy khoảng 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, mô hình đòi hỏi diện tích ao, đìa tối thiểu 1ha. Những hộ nuôi trồng thủy sản có diện tích nhỏ hơn có thể hợp tác với các hộ lân cận để cùng triển khai mới có thể mang về hiệu quả tối ưu.
Được biết, hiện nay, các kỹ sư thực hiện đề tài tập trung theo dõi quá trình sinh trưởng, tỷ lệ sống, các yếu tố môi trường, các loại bệnh nếu có tại mô hình “sông trong ao”. Sau khi nghiệm thu đề tài, trung tâm sẽ đồng hành, hướng dẫn cho những người nuôi trồng thủy sản muốn áp dụng mô hình “sông trong ao” về kỹ thuật, quy trình ao nuôi và quá trình nuôi.
Hồng Đăng