11:10, 10/10/2021

Nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng

Trong 9 tháng năm 2021, tuy số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh điểm nóng. 

Trong 9 tháng năm 2021, tuy số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh điểm nóng. Để hạn chế số vụ vi phạm đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của lực lượng chức năng, các địa phương, đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.


Vẫn còn phá rừng, khai thác rừng trái phép


Theo ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, từ đầu năm đến nay, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm 40 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ, dễ phát sinh điểm nóng về phá rừng, nhất là địa bàn các huyện: Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm và thị xã Ninh Hòa. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 36 vụ phá rừng trái pháp luật gây thiệt hại 22,73ha rừng. Trong đó, nổi cộm là địa bàn huyện Khánh Vĩnh với 29 vụ, diện tích rừng thiệt hại hơn 14ha; huyện Khánh Sơn 3 vụ (4,9ha); thị xã Ninh Hòa 2 vụ (0,77ha); huyện Diên Khánh 1 vụ (2,33ha) và huyện Cam Lâm 1 vụ (0,73ha). Toàn tỉnh xảy ra 14 vụ khai thác rừng trái pháp luật, trong đó tại Khánh Vĩnh có đến 13 vụ, thị xã Ninh Hòa 1 vụ.

 

Lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ rừng căm xe Ninh Tây.

Lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ rừng căm xe Ninh Tây.


Hiện nay, lâm phận Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa tại Khánh Vĩnh được xác định rất dễ phát sinh điểm nóng về tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Lãnh đạo công ty cho biết, đơn vị đã tổ chức hàng trăm đợt truy quét những khu vực rừng xung yếu, tổ chức chốt chặn tại các khu vực trọng điểm, phá dỡ hàng chục lán trại trong rừng, thu giữ nhiều phương tiện, dụng cụ của các đối tượng vi phạm… Tuy nhiên, tình trạng khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm rừng trồng trong lâm phận của đơn vị vẫn chưa thể chấm dứt.


Ngoài ra, một vấn đề đáng lo ngại là tình trạng đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích diễn ra phức tạp và có chiều hướng tăng, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.


Cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

 

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 268 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, giảm 40 vụ so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 202 vụ; tịch thu hơn 181m3 gỗ tròn, gần 319m3 gỗ xẻ hộp các loại, 18 xe gắn máy, 3 máy tời, 4 máy cưa xăng; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 2,5 tỷ đồng. Lực lượng kiểm lâm đã ra quyết định khởi tố 2 vụ án hình sự về vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản tại địa bàn huyện Khánh Vĩnh.

Theo chia sẻ của ông Trần Minh Thu, để tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các địa phương xử lý kịp thời và nghiêm minh các vụ vi phạm về quản lý, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; đề xuất xử lý trách nhiệm đối với chủ rừng, UBND các cấp thiếu trách nhiệm để rừng bị phá; thực hiện tốt việc tham mưu cho chính quyền các cấp trong quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Các hạt kiểm lâm địa phương cần quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ; rà soát, thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ tại các cơ sở chế biến để quản lý nguyên liệu hợp pháp, xử lý nghiêm nếu các cơ sở vi phạm. Bên cạnh đó, các đơn vị lập kế hoạch kiểm tra, truy quét những khu vực có nguy cơ xảy ra phá rừng trên địa bàn như: Tuyến Khánh Lê - Lâm Đồng đoạn đi qua địa bàn huyện Khánh Vĩnh, khu vực Khánh Thượng, Giang Ly, Sơn Thái (Khánh Vĩnh); Ninh Tây (Ninh Hòa); Cam Phước Tây (Cam Lâm); kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông, xóa bỏ tụ điểm kinh doanh, mua bán lâm sản trái pháp luật...


Cùng với đó, các đơn vị chủ rừng đã được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng cần xác định chịu trách nhiệm chính trong quản lý, bảo vệ diện tích rừng, đất rừng được giao. Từ đó, đơn vị có những biện pháp hiệu quả để tăng cường năng lực và hiệu quả giữ rừng. Các chủ rừng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để rừng bị thiệt hại do phá rừng, khai thác rừng, cháy rừng... mà không có biện pháp ngăn chặn.


Mặt khác, các địa phương trong tỉnh cần thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát UBND cấp xã thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo quy định; phối hợp tốt với các đơn vị chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng. Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong thực hiện quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng, chống cháy rừng; tổ chức kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng, săn bắt động vật hoang dã trái phép, truy quét các “đầu nậu”, những điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng.


HẢI LĂNG