11:06, 30/06/2021

Trang trại kết hợp điện mặt trời áp mái: Góp phần cung cấp điện cho địa phương

Theo đại diện Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, các trang trại kết hợp điện mặt trời áp mái góp phần cung cấp nguồn điện cho tỉnh, giúp ổn định an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội. Công ty sẽ thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát để các dự án này phát triển đúng định hướng.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, các trang trại kết hợp điện mặt trời áp mái góp phần cung cấp nguồn điện cho tỉnh, giúp ổn định an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội. Công ty sẽ thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát để các dự án này phát triển đúng định hướng.


Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có 244 dự án trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái, với tổng công suất 196MWp. Các dự án triển khai nhiều sau khi Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 18 ngày 17-7-2020 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời. Các địa phương phát triển mạnh loại hình này như: Thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh, huyện Cam Lâm…

 

Theo ông Nguyễn Chí Diễu - Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, thời điểm cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái triển khai nhằm kịp hưởng chính sách ưu đãi theo Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Bên cạnh việc ký hợp đồng mua bán điện với các chủ dự án, ngành Điện cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc bảo đảm quy định đấu nối và tiêu chuẩn kỹ thuật các thiết bị phát điện, tránh trường hợp chất lượng điện năng phát lên lưới không bảo đảm yêu cầu.

 

Một dự án trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái ở xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh).

Một dự án trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái ở xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh).

 

Ông Trần Đăng Hiền - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa cho biết, công ty triển khai đấu nối, ký hợp đồng với các dự án trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái theo các quy định, hướng dẫn của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Cụ thể, đối với các dự án trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái, chủ đầu tư phải bổ sung xác nhận của UBND cấp xã hoặc huyện về việc khai báo xây dựng trang trại trong hồ sơ đăng ký, thỏa thuận đấu nối điện hoặc hợp đồng mua bán điện. Văn bản hướng dẫn số 7088 ngày 22-9-2020 của Bộ Công Thương quy định: “Việc đảm bảo trang trại phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thuộc thẩm quyền của địa phương”. Theo văn bản hướng dẫn số 6948 ngày 19-10-2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các công ty điện lực chỉ thực hiện các thủ tục thuộc chức năng quản lý của ngành Điện, không được yêu cầu các thủ tục, giấy tờ không thuộc thẩm quyền của đơn vị.


Đại diện Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa khẳng định, tại thời điểm ký kết hợp đồng mua bán điện, chủ đầu tư tất cả dự án trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái tại Khánh Hòa đều cung cấp giấy xác nhận của chính quyền địa phương về việc khai báo xây dựng trang trại và đều có “bản cam kết tự chịu trách nhiệm” về dự án theo đúng yêu cầu. Trường hợp chính quyền địa phương có văn bản thông báo, xác nhận không chấp thuận cho làm dự án trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái thì công ty sẽ dừng thực hiện hợp đồng mua bán điện để chờ hướng dẫn xử lý của cơ quan chức năng.


Ông Hiền cho rằng, các dự án trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái đã góp phần quan trọng cung cấp nguồn điện tại chỗ cho địa phương, giảm việc truyền tải điện từ lưới điện quốc gia đến phụ tải; qua đó giảm tổn thất trong công tác truyền tải, phân phối điện năng. Thời gian tới, dự báo nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục tăng cao, việc phát triển trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái sẽ góp phần giảm áp lực về phát triển nguồn điện của cả nước nói chung và của Khánh Hòa nói riêng.

 

Ông Nguyễn Chí Diễu - Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa: Tuổi thọ pin mặt trời theo cam kết của nhà sản xuất là 25 năm, được bảo hành vật lý 15 năm. Một dự án trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái có tổng mức đầu tư khoảng 15 - 17 tỷ đồng. Chủ đầu tư có thể thu hồi vốn sau 6 - 8 năm đi vào hoạt động.

____________________________________________


Từ ngày 1-1, Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam hết hiệu lực. Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa cũng dừng việc tiếp nhận thủ tục đấu nối, ký hợp đồng mới đối với các dự án trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái để chờ quy định, hướng dẫn mới của Nhà nước và ngành Điện.


NHẬT THANH