11:06, 30/06/2021

Nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè: Sẽ sớm có quy định tạm thời

Trong buổi làm việc với ngành Nông nghiệp mới đây, ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng ngay quy định tạm thời vùng nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè.

 

Trong buổi làm việc với ngành Nông nghiệp mới đây, ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng ngay quy định tạm thời vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) bằng lồng bè.


Gặp Khó khăn do chưa có quy hoạch


Thủy sản là một lĩnh vực nổi bật trong bức tranh nông nghiệp của tỉnh. Năm 2020, xuất khẩu nông, thủy sản của Khánh Hòa đạt 800 triệu USD, trong đó mặt hàng thủy sản đóng góp hơn 510 triệu USD. Hoạt động chế  biến, xuất khẩu thủy sản của Khánh Hòa còn ghi dấu ấn trong cả nước.

 

Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, trong chuỗi giá trị thủy sản, hệ thống chế biến thủy sản của Khánh Hòa rất phát triển. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tình hình đánh bắt thủy sản những năm gần đây ngày một khó khăn hơn, sản lượng đánh bắt thủy sản suy giảm. Trong khi đó, hoạt động NTTS còn nhiều dư địa phát triển, nhưng cũng đang đối diện với nhiều vấn đề. Toàn tỉnh có hơn 60.000 ô lồng của 2.285 hộ NTTS, nhưng đến nay vẫn chưa có quy hoạch vùng NTTS tỉnh. Đặc biệt, hơn một nửa số lồng bè đang nằm trên vịnh Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa - khu vực có nhiều dự án đầu tư đã, đang và sẽ triển khai trong thời gian tới. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động NTTS của ngư dân khu vực này.

 
 
Lồng bè nuôi trồng thủy sản tại vùng biển xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh.

Lồng bè nuôi trồng thủy sản tại vùng biển xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh.

 

Thực ra, vấn đề quy hoạch vùng NTTS tỉnh từng được nhắc đến nhiều, có những thời điểm đã được ban hành và đi vào thực hiện. Tuy nhiên, theo Luật Quy hoạch, các quy hoạch ngành cần phải được tích hợp vào quy hoạch chung toàn tỉnh. Trong khi quy hoạch tỉnh đang xây dựng nên các quy hoạch khác, trong đó có NTTS phải chờ.


Việc chưa có quy hoạch đang gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước lẫn người NTTS. “Muốn thực hiện việc giao, cho thuê mặt nước NTTS, truy xuất nguồn gốc thủy sản nuôi, quản lý chặt chẽ hoạt động NTTS, hỗ trợ người NTTS bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh… đều phải căn cứ vào quy hoạch NTTS”, ông Chánh nói.


Khẩn trương ban hành quy định tạm thời


Ông Nguyễn Xuân Hòa, người NTTS kỳ cựu ở khu vực biển thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh chia sẻ: “Tôi mong muốn Nhà nước sớm quy hoạch vùng NTTS. Quy hoạch giống như ở đất liền, theo từng ô thửa ngay hàng thẳng lối, có đánh số, có địa chỉ rồi cho ngư dân bốc thăm vào từng ô như thế. Điều này vừa giúp người NTTS yên tâm đầu tư, vừa dễ dàng cho Nhà nước trong việc quản lý. Quy hoạch vùng nuôi còn là cơ sở pháp lý để Nhà nước cho thuê mặt biển NTTS”.


Trong buổi làm việc với ngành Nông nghiệp mới đây, ông Nguyễn Hải Ninh đã đặt câu hỏi với lãnh đạo ngành: “Nhiều dự án trên vịnh Vân Phong đã và sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của ngư dân. Nhiều hộ phải di dời đến nơi ở mới. Việc chưa có quy hoạch vùng NTTS đang gây ra nhiều khó khăn cho cả ngư dân và cơ quan quản lý. Ngành đã nghiên cứu vấn đề này ra sao?”. Ông chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định tạm thời vùng NTTS lồng bè ven bờ trên biển, không chờ quy hoạch chung của tỉnh; tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm đầu tư NTTS. Ngoài ra, ngành phải tính toán các giải pháp phù hợp nhằm chăm lo sinh kế, đảm bảo đời sống của những hộ NTTS bị ảnh hưởng bởi việc triển khai các dự án đầu tư ở khu vực vịnh Vân Phong.


Được biết, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung hoàn thiện dự thảo quy định tạm thời vùng NTTS lồng bè ven bờ trên biển, tham mưu UBND tỉnh xem xét, ban hành trong thời gian tới.


Hồng Đăng