11:01, 03/01/2021

Phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn

Đến nay, Khánh Hòa đã xây dựng được 9 chuỗi cung cấp thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn. Đây là tiền đề để nâng cấp, nhân rộng các chuỗi thực phẩm an toàn, đáp ứng được đòi hỏi của thị trường trong giai đoạn tới.

Đến nay, Khánh Hòa đã xây dựng được 9 chuỗi cung cấp thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn. Đây là tiền đề để nâng cấp, nhân rộng các chuỗi thực phẩm an toàn, đáp ứng được đòi hỏi của thị trường trong giai đoạn tới.


Xây dựng thành công 9 chuỗi


Theo ông Nguyễn Ngọc Việt - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa, giai đoạn 2013 - 2016, chi cục đã phối hợp với các địa phương và đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai xây dựng thành công 3 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, thủy sản an toàn theo VietGAP. Đó là mô hình chuỗi cung cấp rau, củ tại xã Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa); chuỗi cung cấp rau, củ tại xã Vĩnh Phương (TP. Nha Trang) và chuỗi cung cấp trái cây tại huyện Khánh Vĩnh.

 

Thu hoạch bưởi da xanh ở Khánh Vĩnh.

Thu hoạch bưởi da xanh ở Khánh Vĩnh.


Đến nay, bình quân mỗi năm, 2 chuỗi rau an toàn cung cấp cho thị trường gần 270 tấn rau; chuỗi cung cấp trái cây tại huyện Khánh Vĩnh chủ lực là bưởi da xanh cung ứng 1.500 tấn bưởi VietGAP cho thị trường. Điều đáng mừng là sau khi sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, những sản phẩm này đã nhanh chóng có mặt ở các kệ hàng siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn tỉnh.


Với thành công này, giai đoạn 2017 - 2020, việc xây dựng chuỗi đã được đẩy mạnh để nâng tầm giá trị nông sản của Khánh Hòa. Hơn 3 năm qua, đã có thêm 6 chuỗi được xây dựng thành công. Đó là mô hình cung cấp tỏi an toàn của nông dân các xã: Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh), Ninh Vân, Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa) với tổng sản lượng mỗi năm gần 300 tấn tỏi khô đạt chuẩn VietGAP đưa ra thị trường. Mô hình chuỗi cung cấp sầu riêng an toàn tại xã Sơn Bình (huyện Khánh Sơn) mỗi năm cung ứng hơn 1.000 tấn sầu riêng VietGAP cho các siêu thị, khu du lịch. Mô hình chuỗi cung cấp thịt heo VietGAP của doanh nghiệp chăn nuôi heo thịt theo quy trình VietGAP đầu tiên trong tỉnh cung ứng 360 tấn thịt cho thị trường. Chuỗi cung cấp thịt gà an toàn với công suất 30 tấn/năm tại xã Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh) đã được xây dựng theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu chăn nuôi, giết mổ và phân phối ra thị trường. Mô hình xoài VietGAP là sự kết hợp giữa doanh nghiệp trồng xoài kiêm bao tiêu sản phẩm cho 3 tổ hợp tác liên kết trồng xoài VietGAP tại huyện Cam Lâm, cung ứng mỗi năm hơn 300 tấn xoài cho thị trường.

 

Một số nông sản sản xuất theo chuỗi an toàn được trưng bày, quảng bá tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước ngành Nông nghiệp Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020.

Một số nông sản sản xuất theo chuỗi an toàn được trưng bày, quảng bá tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước ngành Nông nghiệp Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020.


Năm 2020, chuỗi cung cấp thủy sản nuôi an toàn theo VietGAP trên địa bàn huyện Vạn Ninh được triển khai. Ngay sau khi phát động, 5 tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản tại các xã: Vạn Hưng, Vạn Thạnh, Vạn Thắng, Vạn Thọ đã cùng bắt tay thực hiện nuôi trồng thủy sản theo chuẩn VietGAP. Trong đó, 30 hộ tham gia nuôi tôm hùm với sản lượng hơn 60 tấn/năm; 48 hộ nuôi tôm thẻ, ốc hương với sản lượng hơn 1.778 tấn/năm.


Đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm


Trong quá trình xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương có trách nhiệm tập hợp, hướng dẫn, đồng hành với nông dân thực hiện liên kết, sản xuất. Theo đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa cùng các địa phương tiến hành khảo sát lựa chọn địa điểm, cơ sở tham gia mô hình. Sau khi chọn được mô hình phù hợp, cơ quan chức năng sẽ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng cho các đối tượng tham gia; tiếp đó, tập hợp những người sản xuất vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để hình thành nên các vùng sản xuất VietGAP. Cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân ghi chép lại nhật ký phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quy trình chăm sóc, thu hoạch để hình thành nên hệ thống quản lý chất lượng nông sản.


Khi đã có sản phẩm được sản xuất an toàn, công tác kết nối, liên kết tiêu thụ và quảng bá sản phẩm được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Thông qua các hội chợ, các lễ ký kết ghi nhớ về hợp tác tiêu thụ giữa người sản xuất và đơn vị kinh doanh, phân phối sản phẩm. Theo ông Nguyễn Ngọc Việt, giai đoạn 2021 - 2025, đơn vị sẽ đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá, gắn kết tiêu thụ những sản phẩm nông, thủy sản an toàn đã được chứng nhận thông qua việc hỗ trợ tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh; hội thảo kết nối cung - cầu giữa người sản xuất và cơ sở, đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Chi cục hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác kết nối với những nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, siêu thị, điểm dừng chân nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm được sản xuất theo quy trình VietGAP trên địa bàn tỉnh; đồng thời nghiên cứu tham mưu xây dựng Đề án chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đề án nói trên nhằm tập trung nhân rộng, phát triển các chuỗi đã được triển khai, đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông, thủy sản, từng bước nâng cao tỷ lệ sản phẩm nông sản sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm quy mô hàng hóa, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu bền vững.


Hồng Đăng