Từ đầu năm đến nay, hoạt động của các cơ sở sản xuất đồ gỗ trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, do đó, nhiều cơ sở phải tạm ngưng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất.
Từ đầu năm đến nay, hoạt động của các cơ sở sản xuất đồ gỗ trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, do đó, nhiều cơ sở phải tạm ngưng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất.
Từ nhiều tháng nay, cơ sở chế biến mộc dân dụng của ông Nguyễn Văn Thịnh tại xã Suối Cát (huyện Cam Lâm) rất chật vật trong việc tìm kiếm đơn hàng sản xuất để duy trì việc làm cho công nhân. “Năm 2019, trung bình mỗi tháng, doanh thu của cơ sở khoảng 400 - 500 triệu đồng, nhưng bây giờ có tháng chỉ được mấy chục triệu đồng. Liên tục 4 tháng qua, cơ sở của chúng tôi không có đơn hàng nào, máy móc nằm chỏng chơ, 14 công nhân phải nghỉ việc chờ qua mùa dịch”, ông Thịnh cho hay.
Cơ sở chế biến gỗ của gia đình ông Trương Văn Việt tại thị xã Ninh Hòa cũng phải thu hẹp sản xuất vì thiếu đơn hàng. Được biết, những năm trước, ngoài sản xuất các mặt hàng cửa, giường, tủ, bàn ghế phục vụ nhu cầu của người dân địa phương, cơ sở của ông còn nhận được đơn hàng từ các hộ xây dựng nhà ở các khu đô thị tại TP. Nha Trang. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, ông không có đơn hàng nào có giá trị hơn 100 triệu đồng. Hiện nay, cơ sở của ông Việt chỉ hoạt động chưa đến 25% công suất nên hơn 10 công nhân phải nghỉ để chờ việc.
Tại địa bàn huyện Cam Lâm, đầu năm 2019 vẫn còn 15 cơ sở chế biến gỗ, mộc dân dụng thì đến nay, một nửa trong số đó đã đóng cửa, số còn lại hoạt động cầm chừng, chỉ sản xuất một vài sản phẩm phục vụ nhu cầu cá nhân của một số hộ gia đình trong vùng, còn những đơn hàng lớn, sản xuất hàng loạt thì không cơ sở nào có đơn hàng. Tương tự, tại thị xã Ninh Hòa, đến thời điểm này chỉ còn 10 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, giảm 10 cơ sở so với đầu năm trước. Trong số đó, có cơ sở tuy giấy phép hoạt động vẫn còn nhưng cũng đã đóng cửa. Tại các địa phương khác như: Khánh Vĩnh, Nha Trang, Diên Khánh, Cam Ranh, số cơ sở chế biến gỗ cũng bị thu hẹp nhiều, chỉ còn 50% so với thời điểm đầu năm 2019.
Ông Nguyễn Văn Thành - chủ cơ sở sản xuất mộc dân dụng ở huyện Khánh Vĩnh cho biết: Một trong những khó khăn của các cơ sở chế biến gỗ hiện nay là nguồn nguyên liệu. Trước đây, khi các chủ rừng nhà nước còn được phép khai thác thì có nguyên liệu để sản xuất, giá thành gỗ nguyên liệu cũng không cao như bây giờ. Hiện nay, giá các loại gỗ nguyên liệu tăng hơn 1,5 lần so với cách đây 2 năm; giá gỗ nguyên liệu tăng cao khiến giá các sản phẩm mộc thành phẩm cũng tăng theo. Một khó khăn nữa là ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động lớn đến đầu ra của sản phẩm đồ gỗ, bởi người tiêu dùng đang thắt lưng buộc bụng. Đó là chưa kể, trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm có thể thay thế gỗ, với giá thấp hơn nên nhiều người tiêu dùng chuyển sang sử dụng sản phẩm bằng vật liệu khác.
Theo ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, hiện nay, đến 50% số cơ sở chế biến gỗ, sản xuất các mặt hàng mộc dân dụng ở các địa phương phải thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động; các chủ cơ sở đang chật vật tìm đơn hàng sản xuất. Đối với nguồn gỗ nguyên liệu, do nguồn cung từ khai thác rừng tự nhiên của các chủ rừng nhà nước không còn nên các cơ sở chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu từ gỗ nhập khẩu (chiếm khoảng 80%). Do đó, có nguy cơ các cơ sở sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu khai thác trái phép để sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm. Chi cục đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm bên cạnh tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động đúng theo giấy phép đã được cơ quan chức năng cấp, còn tiến hành giám sát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào nhằm xử lý nghiêm các cơ sở sử dụng gỗ không có giấy tờ hợp pháp.
Hải Lăng