Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) đã được triển khai quyết liệt trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, ngư dân trong tỉnh đã nhận thức được việc khai thác IUU là hành vi vi phạm pháp luật.
Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) đã được triển khai quyết liệt trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, ngư dân trong tỉnh đã nhận thức được việc khai thác IUU là hành vi vi phạm pháp luật. Từ cuối năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài; ngư dân đã tuân thủ việc khai báo khi rời cảng và cập cảng lên cá. Thống kê của cơ quan chức năng, 8 tháng năm 2020, 4 văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng: Hòn Rớ, Đá Bạc, Vĩnh Lương, Đại Lãnh đã kiểm tra xác nhận 2.282 lượt tàu cá rời cảng, cập cảng lên cá, với sản lượng thủy sản qua cảng 3.783 tấn. Cơ quan chức năng của tỉnh đã kiểm tra xác nhận nguyên liệu thủy sản cho 69 lô hàng, với 1.442 tấn hải sản; cấp chứng nhận thủy sản khai thác cho 360 lô hàng, với 2.376 tấn hải sản.
Tuy vậy, từ thực tế triển khai các hoạt động chống khai thác IUU, vẫn còn nhiều vấn đề phải tập trung xử lý. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh vẫn còn 148 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chiếm 21% số tàu cá xa bờ của tỉnh. Trong số đó, có tàu cá vì thua lỗ phải tạm ngưng hoạt động, không đủ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, cũng có những chủ tàu cố tình không thực hiện dù đã nhiều lần nhắc nhở, vận động, tuyên truyền.
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, một khó khăn mới phát sinh gần đây là tình trạng lực lượng chức năng nước ngoài bắt ngư dân và dắt tàu cá Việt Nam về phía họ để xử phạt, gây tổn thất về sức khỏe, tinh thần và tài sản của ngư dân, như trường hợp 3 tàu cá Khánh Hòa bị bắt vào ngày 10-8 vừa qua. UBND tỉnh đã có công văn kiến nghị các cơ quan Trung ương có biện pháp đề nghị phía Indonesia đảm bảo an toàn cho các thuyền viên và trao trả 3 tàu cá Khánh Hòa; đồng thời có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các tàu cá và thuyền viên khi về bờ và không để các hành vi tương tự tái diễn, qua đó giúp ngư dân vươn khơi, bám biển.
Không chỉ vậy, việc thực hiện xác nhận thủy sản khai thác, cấp chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác để phục vụ xuất khẩu của các doanh nghiệp (một trong những khâu quan trọng của chống khai thác IUU cũng như thực hiện các khuyến nghị liên quan đến “thẻ vàng” của EC) cũng đang gặp nhiều trở ngại. Đơn cử như việc cơ quan chức năng của tỉnh khi cấp chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác phải thường xuyên xác nhận lại các giấy xác nhận thủy sản khai thác, bởi việc kê khai của doanh nghiệp không đúng mẫu, vùng khai thác, thời gian khai thác chưa phù hợp; hay như việc xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác từ các ban quản lý cảng cá các tỉnh bạn còn bất cập, sai sót liên quan đến sai lệch về thời hạn giấy phép, thời gian chuyến biển, nhật ký khai thác có nhiều chỉnh sửa… Những điều này đã ảnh hưởng lớn đến công tác chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Muốn tháo gỡ vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có hướng dẫn cụ thể để thực hiện đồng bộ trong cả nước.
Để thực hiện hiệu quả công tác chống khai thác IUU trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tiếp tục tập huấn, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho chủ tàu, ngư dân, doanh nghiệp về chống khai thác IUU; đồng thời hướng dẫn để ngư dân nắm bắt ranh giới vùng biển Việt Nam, từ đó không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến; kiểm soát sản lượng cập bến theo quy định; xử phạt nghiêm các hành vi khai thác IUU, ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác; lập danh sách, quản lý chặt chẽ số tàu cá của tỉnh thường xuyên hoạt động ở các vùng biển xa để kịp thời phát hiện tàu cá có hành vi khai thác IUU...
B.L