Theo Tổng cục Lâm nghiệp, chứng chỉ rừng của Việt Nam rất có ý nghĩa trong việc thúc đẩy quản lý rừng bền vững và phát triển thị trường nguyên liệu gỗ hợp pháp, nguyên liệu "sạch" cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, chứng chỉ rừng của Việt Nam rất có ý nghĩa trong việc thúc đẩy quản lý rừng bền vững và phát triển thị trường nguyên liệu gỗ hợp pháp, nguyên liệu “sạch” cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam.
Tính đến nay, trên cả nước đã có gần 270 nghìn héc-ta rừng, trên địa bàn 24 tỉnh được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Tuy nhiên, theo đánh giá, thì việc thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng của Việt Nam vẫn còn chậm.
Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 đề ra đến năm 2020, cả nước có ít nhất 30% diện tích rừng sản xuất được đánh giá và cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững, tương đương với khoảng 2,4 triệu héc-ta, gồm cả rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng trồng. Đề án về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cũng xác định đến năm 2020 có ít nhất 500.000ha rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, trong đó có 350.000ha là rừng trồng và 150.000ha là rừng tự nhiên. Như vậy, đến nay, việc đạt được mục tiêu đó vẫn còn một khoảng cách khá xa.
Nguyên nhân cấp chứng chỉ rừng chậm, chủ yếu là do các vướng mắc điều kiện về đất đai liên quan đến quyền sử dụng rừng và đất rừng, nguồn kinh phí cho các hoạt động cấp và duy trì chứng chỉ rừng lớn, nhất là đối với diện tích rừng nhỏ, manh mún. Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn vay ưu đãi của các ngân hàng gần như không thực hiện được...
Đến nay, Văn phòng chứng chỉ rừng bền vững đã ban hành nhiều tài liệu, hướng dẫn liên quan đến vận hành hệ thống, trong đó có sự phối hợp với văn phòng kiểm định chất lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ và tổ chức đánh giá tạm thời (GFA). Tổng cục Lâm nghiệp đã triển khai áp dụng thực hiện Bộ tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững của Việt Nam với 7 nguyên tắc, 34 tiêu chí và 122 chỉ số để đảm bảo khu rừng đó được quản lý bền vững trên 3 phương diện kinh tế, xã hội và môi trường. Bộ tiêu chuẩn này cũng đã được thể chế hóa tại Thông tư số 28/2018/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn quy định về phát triển rừng bền vững.
T.K