10:05, 10/05/2020

Không để thiếu nước sinh hoạt

Thiếu mưa, thời tiết nắng nóng, lượng nước tích trữ trong các hồ chứa đang cạn kiệt nhanh chóng… khiến tình hình khô hạn diễn ra gay gắt trên địa bàn tỉnh. 2 phương án chống hạn đã được UBND tỉnh đưa ra, trong đó ưu tiên cao nhất là không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Thiếu mưa, thời tiết nắng nóng, lượng nước tích trữ trong các hồ chứa đang cạn kiệt nhanh chóng… khiến tình hình khô hạn diễn ra gay gắt trên địa bàn tỉnh. 2 phương án chống hạn đã được UBND tỉnh Khánh Hòa đưa ra, trong đó ưu tiên cao nhất là không để người dân thiếu nước sinh hoạt.


Khô hạn khắp nơi


Hơn 2 tháng qua, các nhà vườn ở xã Sơn Bình (huyện Khánh Sơn) đã áp dụng đủ mọi phương cách để tìm kiếm, tận dụng nguồn nước tưới cho cây trồng. Đến thời điểm này, nước trên các sông, suối đã cạn kiệt, hệ thống giếng khoan cũng vơi dần. “Nếu trong khoảng 15 ngày tới trời không mưa, nước tưới sẽ hết, toàn bộ diện tích cây ăn quả, đặc biệt là cây sầu riêng sắp cho thu hoạch sẽ bị rụng quả”, ông Cao Văn Sang, người trồng sầu riêng ở xã Sơn Bình cho biết.

 

Tình hình khô hạn cũng đang diễn ra gay gắt tại hầu hết các địa phương, nhất là những địa phương phía nam của tỉnh. Theo cơ quan chuyên môn, hơn 1 năm qua, lượng mưa thiếu hụt từ 20 đến 40% so với trung bình nhiều năm. Vào sáng 5-5, số liệu của cơ quan chuyên môn cho thấy, 19 hồ chứa nước lớn trên địa bàn tỉnh chỉ còn chưa đầy 86 triệu m3 nước, chiếm 34% dung tích toàn bộ. Đáng lo ngại là nhiều hồ chứa lớn chịu trách nhiệm cung cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, sản xuất nông nghiệp cũng đang cạn dần. Đơn cử như hồ Cam Ranh tại Cam Lâm với sức chứa hơn 22 triệu m3 nước hiện nay chỉ còn khoảng 12% lượng nước.


Dự báo từ nay đến hết tháng 8, tình hình hạn hán sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt. Dự báo của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh sẽ có gần 104.000 người ở 25.855 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Số hộ này chủ yếu nằm ở khu vực không có hồ chứa nước, hoặc hồ chứa nước nhỏ; nằm ngoài vùng cấp nước của các hồ thủy lợi; các địa phương không có các sông, suối lớn hoặc có sông lớn nhưng có khả năng bị xâm nhập mặn như: khu vực Đại Lãnh, Vạn Thạnh, Vạn Thọ, Xuân Sơn.... (huyện Vạn Ninh); các xã Ninh Ích, Ninh Lộc, Ninh Tân, Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa); Diên Bình, Diên Hòa, Diên Lộc, Diên Xuân, Diên Lâm, Diên Đồng, Diên Thọ, Diên Phước, Diên Lạc, Diên Sơn, Diên Điền (huyện Diên Khánh); Cam Hòa, Cam Hiệp Bắc, Cam Tân, Suối Cát, Cam An Nam (huyện Cam Lâm); Cam Lập, Cam Thịnh Đông, Cam Thịnh Tây, Cam Bình, Cam Nghĩa (TP. Cam Ranh); nhiều xã ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.


Với sản xuất nông nghiệp, trong số gần 19.000ha lúa hè thu, sẽ chỉ có gần 4.500ha có thể sản xuất, còn lại phải bỏ vụ. Toàn bộ diện tích cây ăn quả sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng ngay ở thời điểm thu hoạch trái, thiệt hại về kinh tế là rất lớn.

 

Nhiều khu vực lòng hồ chứa nước Suối Dầu đã trơ đáy.

Nhiều khu vực lòng hồ chứa nước Suối Dầu đã trơ đáy.

 

2 kịch bản ứng phó


Để chủ động ứng phó với nắng hạn, ngày 29-4, UBND tỉnh đã ban hành Phương án Phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh năm 2020. 2 kịch bản đã được đưa ra, trên nguyên tắc từ nay đến hết tháng 5, toàn bộ nhu cầu nước cho sản xuất lúa đều phải dừng lại, chỉ ưu tiên nước cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ.


Với kịch bản 1, tới trước tháng 6-2020, nếu thời tiết có mưa, lưu lượng nước trên các sông, suối, đập, hồ chứa nước được cải thiện, các địa phương, đơn vị chủ động tính toán, cân đối để điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông nghiệp cho phù hợp, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai sản xuất.


Nếu trong tháng 5, thời tiết không có mưa hoặc mưa không đáng kể, kịch bản 2 sẽ được áp dụng. Theo đó, các giếng khoan do Nhà nước đầu tư những năm qua sẽ được sửa chữa, nâng cấp; hàng chục giếng khoan được đầu tư khoan mới; các nơi không thể khoan giếng hay khoan không có nước sẽ áp dụng giải pháp vận chuyển nước từ nơi khác tới, còn các khu vực có công trình cấp nước tập trung sẽ đầu tư mở rộng vùng phục vụ hoặc lắp đặt các vòi nước công cộng phục vụ người dân trên tinh thần không để người dân thiếu nước sinh hoạt.


Theo số liệu tổng hợp từ phương án phòng, chống hạn hán của các địa phương, tổng kinh phí dự kiến thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh khoảng 88,6 tỷ đồng. Khi kích hoạt kịch bản chống hạn, nguồn kinh phí được sử dụng từ ngân sách nhà nước, Quỹ phòng chống thiên tai và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện.


UBND tỉnh đã giao các sở, ngành địa phương chủ động triển khai công tác ứng phó dựa trên phương án đã được tỉnh phê duyệt; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ quan đầu mối, có trách nhiệm tiếp nhận và thu thập tất cả thông tin về hạn hán, tổng hợp xử lý thông tin và thông báo kịp thời đến các địa phương, đơn vị để phổ biến rộng rãi cho nhân dân biết. Đồng thời, tiếp nhận thông tin từ cơ sở phản ánh, tổng hợp báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết kịp thời. Tổng hợp kinh phí đề xuất chống hạn của các địa phương, đơn vị; phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra, kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ.


Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Sở Kế hoạch và Đầu tư xác định rõ các dự án tích trữ nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt, các dự án cấp nước cần ưu tiên đầu tư, cơ cấu nguồn vốn đầu tư. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ cứu đói cho nhân dân các vùng xảy ra hạn, xâm nhập mặn, phối hợp với Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ. Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước. UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập ngay tổ công tác trực tiếp theo dõi tình hình, nắm chắc diễn biến hạn hán, tổ chức triển khai các nhiệm vụ ứng phó hạn hán kịp thời, hiệu quả.


Theo một số địa phương, việc triển khai các giải pháp chống hạn trước mắt như: đào giếng, lên phương án vận chuyển nước phục vụ sinh hoạt cần được triển khai ngay từ bây giờ, khi nguồn nước ngầm còn chưa khô kiệt. Về lâu dài, cần phải đầu tư nhiều hơn nữa các đập ngăn trên sông suối để giữ nước, đầu tư thêm các hồ chứa nước mới có thể ứng phó một cách hiệu quả với hạn hán.


Hồng Đăng