11:04, 15/04/2020

Khó thực hiện các chức danh thuyền viên tàu cá

Hiện nay, tàu cá muốn vươn khơi phải đảm bảo các chức danh thuyền viên theo quy định tại Thông tư 22 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này đang gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, tàu cá muốn vươn khơi phải đảm bảo các chức danh thuyền viên theo quy định tại Thông tư 22 năm 2018 của Bộ NN-PTNT. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này đang gặp nhiều khó khăn.


Thuyền viên phải có chứng chỉ


Cuối năm 2018, Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư 20 quy định về thuyền viên tàu cá, tàu công vụ thủy sản. Theo đó, nhóm tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên bắt buộc có 4 chức danh. Trong đó, thuyền trưởng phải có chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng I, thuyền phó phải có chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng II, máy trưởng phải có chứng chỉ máy trưởng tàu cá hạng I, thợ máy phải có chứng chỉ thợ máy tàu cá. Đối với nhóm tàu từ 15 đến dưới 24m, có 3 chức danh bắt buộc. Trong đó, thuyền trưởng phải có chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng II, máy trưởng phải có chứng chỉ máy trưởng tàu cá hạng II, thợ máy phải có chứng chỉ thợ máy tàu cá. Đối với nhóm tàu cá từ 12 đến dưới 15m, phải có 2 chức danh, thuyền trưởng phải có chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng III, máy trưởng phải có chứng chỉ máy trưởng tàu cá hạng III. Đối với nhóm tàu từ 6 đến dưới 12m có 1 chức danh bắt buộc là thuyền trưởng và phải có chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng III.

 

Tàu cá muốn ra khơi khai thác phải đảm bảo quy định về các chức danh thuyền viên trên tàu cá.

Tàu cá muốn ra khơi khai thác phải đảm bảo quy định về các chức danh thuyền viên trên tàu cá.


Quy định về các chức danh trên tàu cá được ban hành nhằm giúp những chuyến đi biển của ngư dân được an toàn, từng bước nâng cao trình độ, tay nghề của ngư dân khi tham gia khai thác trên biển.


Khó thực hiện


Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, việc triển khai quy định về các chức danh trên tàu cá hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, do lao động nghề biển đang đối diện với tình trạng vừa thiếu về số lượng vừa yếu về trình độ, tay nghề. Trong khi đó, đặc thù của lao động nghề biển là thường xuyên thay đổi, các lao động không ổn định lâu dài trên 1 tàu cá. Để đảm bảo quy định về các chức danh, vị trí trên tàu cá, Chi cục đã phối hợp với các địa phương ven biển tuyên truyền cho ngư dân biết và đăng ký tham gia các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy. Đồng thời, yêu cầu chủ tàu khi cho tàu cá vươn khơi phải đảm bảo các vị trí, chức danh đúng quy định, nhất là đối với đội tàu có chiều dài từ 24m trở lên.


Năm 2019, việc tổ chức các lớp đào tạo chứng chỉ cho ngư dân gặp không ít khó khăn. Toàn tỉnh chỉ thực hiện được 4 lớp đào tạo với 123 học viên, trong đó có 2 lớp thuyền trưởng hạng II với 60 học viên và 2 lớp máy trưởng hạng II với 63 học viên. Năm 2020, các địa phương đề xuất mở 5 lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy các loại nhưng theo chia sẻ của lãnh đạo Chi cục Thủy sản, kế hoạch này khó đạt được vì không có học viên tham gia. Lý do đơn giản là vì thời điểm này lao động nghề cá đang thiếu, biển lại đói triền miên nên chẳng ai đăng ký học.


Theo các ngư dân ở cảng Hòn Rớ, quy định tàu cá có chiều dài 24m trở lên muốn vươn khơi phải có đủ 4 chứng chỉ và yêu cầu 4 người phải có 4 chứng chỉ khác nhau, không cho thuyền trưởng kiêm máy trưởng như trước rất khó áp dụng trong thực tế. Bởi bạn thuyền và chủ tàu thường chỉ hợp đồng với nhau bằng miệng, không có ràng buộc, việc chấm dứt lao động cũng rất đơn giản. “Chủ tàu bỏ tiền ra cho lao động đi học lấy chứng chỉ, về đi được 1 đến 2 chuyến biển gặp thua lỗ, lao động sẽ “nhảy” sang tàu khác, khi ấy chủ tàu lại phải thuê người khác, bỏ tiền cho họ đi học lấy chứng chỉ, rất tốn kém. Thực tế này khiến các chủ tàu dù có muốn cũng không chấp nhận bỏ tiền ra cho lao động đi học”, ngư dân Lê Thành Vinh, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang nói.


HẢI LĂNG