Những năm gần đây, người dân các địa phương miền núi đã tập trung trồng rừng sản xuất (chủ yếu là cây keo), giúp nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Những năm gần đây, người dân các địa phương miền núi đã tập trung trồng rừng sản xuất (chủ yếu là cây keo), giúp nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, do hoạt động xuất khẩu dăm gỗ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc thu mua keo bị chậm, giá giảm đã khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Văn Tình - người trồng keo tại xã Khánh Hiệp (huyện Khánh Vĩnh) cho biết: “Nếu bán theo đám, trước đây, 1ha keo nằm ở vị trí thuận lợi, chăm sóc tốt, sau 5 năm có thể bán được hơn 80 triệu đồng, nhưng giờ chỉ được khoảng 60 triệu đồng; còn nếu bán theo ster, trước đây 1ster bán được 1,2 triệu đồng, bây giờ chỉ còn 800.000 đồng. Trong khi đó, để trồng được 1ha keo, người dân phải đầu tư khoảng 20 triệu đồng mua giống và công chăm sóc. Gia đình tôi có 2ha keo đang độ tuổi khai thác, nếu chấp nhận bán lúc này thì thất thu 40 triệu đồng”. Toàn xã Khánh Hiệp hiện có hơn 1.600ha keo, trong đó diện tích đến tuổi khai thác khoảng 400ha, chủ yếu là keo của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Keo rớt giá đang khiến cho nhiều hộ gặp khó khăn, thậm chí một số hộ phải bán keo chưa đến tuổi khai thác.
Trong khi đó, tại huyện miền núi Khánh Sơn, trước hiệu quả mà cây keo mang lại, những năm qua, nhiều hộ đã đầu tư trồng keo trên diện tích đất rừng sản xuất của mình. Nhờ vậy, tỷ lệ che phủ rừng tại địa phương này được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, thời điểm này, chỉ những hộ có điều kiện kinh tế mới giữ lại được rừng keo, còn những hộ khó khăn, có việc đột xuất đều phải kêu thương lái đến để bán keo. Một số người trồng keo cho biết, trước đây, những diện tích keo đẹp, sản lượng gỗ cao, gần đường được bán với giá 70 đến 80 triệu đồng/ha, nay chỉ còn 55 đến 60 triệu đồng/ha. Biết là bán cho thương lái giá thấp hơn so với bán cho nhà máy nhưng do cần tiền nên nhiều người vẫn bán.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, trên địa bàn hiện có hơn 10.000ha keo; trong đó, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 1/4. Còn tại Khánh Sơn, đến nay, người dân toàn huyện đã trồng được 4.160ha rừng sản xuất, trong đó có hơn 3.330ha rừng được trồng theo các dự án Nhà nước hỗ trợ, còn lại do người dân đầu tư trồng, diện tích đến tuổi khai thác hơn 1.000ha. Để phát triển bền vững rừng sản xuất, các địa phương định hướng cho người dân chỉ phát triển cây keo trên đất lâm nghiệp. Trong điều kiện giá keo xuống thấp, các địa phương vận động người dân không nên bán keo non, chỉ bán keo khi đủ tuổi khai thác, nếu không quá khó khăn thì nên giữ lại rừng keo. Để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng keo, UBND các huyện đã kêu gọi một số doanh nghiệp đưa nhà máy chế biến dăm gỗ về đặt tại địa phương, qua đó giúp người dân có thể bán keo trực tiếp cho nhà máy, thay vì bán cho thương lái.
Ông Trần Văn Thời - người chuyên thu mua keo tại huyện Khánh Sơn cho biết, thị trường xuất khẩu dăm gỗ của các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là Trung Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động cầm chừng nên nhu cầu nguyên liệu thấp. Một số doanh nghiệp chế biến dăm gỗ trên địa bàn không tìm được đơn hàng mới mà chủ yếu thực hiện đơn hàng cuối năm 2019 nên lượng thu mua gỗ rừng trồng cũng giảm, kéo theo giá keo giảm. Hiện tại, giá keo bán cho nhà máy chỉ 1,1 triệu đồng/tấn, giảm hơn 250.000 đồng/tấn so với cuối năm 2019.
HẢI LĂNG