10:03, 18/03/2020

Xã Cam Thành Nam, Cam Ranh: Gặp khó trong chuyển đổi cây trồng

Những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là đối với các diện tích kém hiệu quả đã giúp người dân nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã bộc lộ không ít khó khăn, trong đó có xã Cam Thành Nam.
 

Những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là đối với các diện tích kém hiệu quả đã giúp người dân nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã bộc lộ không ít khó khăn, trong đó có xã Cam Thành Nam.
 
 
Ông Nguyễn Quốc Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành Nam cho biết: “Thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2016 - 2020, địa phương đã đăng ký chuyển đổi 50ha đất của vùng sản xuất mì, mía kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, chủ lực là cây xoài. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa thực hiện được”. Cụ thể, năm 2017, xã đã vận động thực hiện chuyển đổi thành công 15ha sang trồng xoài với tổng kinh phí hỗ trợ gần 950 triệu đồng cho 26 hộ tham gia. Đến năm 2018, toàn xã đề ra kế hoạch chuyển đổi 8ha, tuy nhiên chỉ thực hiện được 1,5ha với 2 hộ tham gia, kinh phí hỗ trợ hơn 60 triệu đồng. Năm 2019, tuy đã đăng ký thực hiện 5ha, nhưng xã không thực hiện chuyển đổi được diện tích nào. Như vậy, so với tổng số 50ha đã đăng ký, đến thời điểm này, toàn xã mới thực hiện chuyển đổi được 16,5ha, đạt 33% kế hoạch đề ra.
 

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
 
Nguyên nhân là do địa bàn xã Cam Thành Nam gặp khó khăn trong cung cấp nguồn nước tưới. Để trồng được cây ăn quả, người dân phải đầu tư thêm giếng khoan, đào ao, vì thế nguồn vốn đầu tư sẽ rất lớn, nhưng có thể vẫn không thành công trong việc tìm mạch nước. Bên cạnh đó, từ năm 2018 đến nay, xoài rớt giá liên tục khiến người trồng xoài lao đao. Trước đây, giá bình quân 50.000 đồng/kg xoài thì hiện nay xoài loại ngon, đẹp nhất cũng chỉ còn 10.000- 15.000 đồng/kg. Ông Lê Văn Quân - thôn Quảng Phúc, xã Cam Thành Nam cho biết: “Trồng cây xoài dễ bị sâu bệnh đục thân chết cây, tốn công chăm sóc, chi phí cao mà giá bán lại bấp bênh nên tôi không trồng xoài nữa”. 
 
 
Ông Ngô Văn Nhẹ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Nam cho hay: “Theo kế hoạch, xã chuyển đổi những diện tích đất trồng mía, mì không hiệu quả sang trồng xoài, nhưng qua quá trình thực hiện, nông dân gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn nước tưới; giá bán những năm gần đây liên tục giảm do thị trường xuất khẩu đi các nước gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các loại sâu bệnh khiến cho quá trình chăm sóc và khai thác cây xoài phát sinh chi phí cao nên nông dân không mặn mà”. Cũng theo ông Nhẹ, với những khó khăn trên, Hội Nông dân xã đã tham mưu UBND xã chuyển từ trồng xoài sang trồng mãng cầu. Hiện nay, đã có một số hộ chuyển đổi qua trồng cây mãng cầu ta. Qua thời gian trồng, chăm sóc, người dân nhận thấy chuyển đổi sang trồng mãng cầu hiệu quả cao hơn, do mật độ trồng của cây mãng cầu dày, yêu cầu diện tích nhỏ; năng suất và chất lượng tương đối cao, ổn định hơn so với cây xoài. 
 
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Thái cho biết: “Qua đánh giá của người dân, so với trồng xoài thì trồng cây mãng cầu tốn nước ít hơn và đặc biệt một năm thâm canh được hai vụ, giá bán cũng ổn định. Do vậy, năm 2020, chúng tôi sẽ tiến hành vận động nhân dân chuyển đổi 5ha qua trồng cây mãng cầu, tức là thực hiện kế hoạch năm 2019, đồng thời đề nghị thành phố chuyển nguồn kinh phí cũng như kế hoạch của năm 2018 về lại thành phố do lúc này không thể triển khai thực hiện được”.
 
 
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng được UBND tỉnh định hướng dựa trên nguyên tắc sau chuyển đổi phải có giá trị kinh tế cao hơn, việc chuyển đổi cũng phải được thực hiện linh hoạt, có thể chuyển đổi sang loại cây trồng khác nếu thấy không còn phù hợp. Hy vọng với những định hướng sắp tới, nông dân xã Cam Thành Nam sẽ tích cực hưởng ứng thực hiện. Tuy nhiên, để chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công, địa phương phải tiếp tục quan tâm đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ về tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân, quan trọng nhất là phải đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp liên kết, bao tiêu sản phẩm giúp người dân yên tâm sản xuất.
 
 
L.N