10:12, 15/12/2019

Dự án Nhiệt điện BOT Vân Phong 1: Khẩn trương thi công

Sau khi dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 chính thức động thổ, chủ đầu tư đã khẩn trương thi công nhằm hoàn thành đúng thời gian dự kiến.

Sau khi dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 chính thức động thổ, chủ đầu tư đã khẩn trương thi công nhằm hoàn thành đúng thời gian dự kiến.

Tập trung san lấp mặt bằng


Ngay sau lễ khởi công, Tập đoàn Sumitomo Corporation (chủ đầu tư) cùng các nhà thầu đã triển khai thi công nhiều hạng mục của dự án. Hiện nay, mỗi ngày trên công trường, hàng trăm phương tiện, máy móc và nhân công nỗ lực làm việc với mục tiêu hoàn thành công tác san lấp mặt bằng vào đầu năm sau. Ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vân Phong cho biết, việc san lấp mặt bằng đã hoàn thành khoảng 80%. Từ nay đến khi dự án hoàn thành, khối lượng công việc rất lớn, công ty hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ từ chính quyền địa phương, các ban, ngành và nhân dân.

 

Đơn vị thi công đang gấp rút san lấp mặt bằng.

Đơn vị thi công đang gấp rút san lấp mặt bằng.


Theo ông Vinh, dự án Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 được Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư, công suất 2.640MW, trên diện tích hơn 350ha, chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư hơn 2,58 tỷ USD. Theo kế hoạch, cả 2 tổ máy với tổng công suất 1.320MW sẽ được hoàn tất xây dựng và đi vào vận hành thương mại trong năm 2023. Mỗi năm, nhà máy dự kiến cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh. Lượng điện này được truyền tải thông qua đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt điện năng cho khu vực miền Nam. Đến nay, dự án đã hoàn thành các thủ tục đầu tư cần thiết và đã bắt đầu công tác san lấp mặt bằng. “Với tính chất quan trọng của dự án, chủ đầu tư đặc biệt quan tâm đến công tác thi công và việc áp dụng các công nghệ hiện đại tại nhà máy. Khi xây dựng các hạng mục lớn, chúng tôi hy vọng sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa về an ninh, an toàn, môi trường và xã hội của các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo quá trình xây dựng được triển khai suôn sẻ, thuận lợi”, ông Vinh bày tỏ.


Ông Choi Jong Ho - Giám đốc điều hành dự án của Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (đơn vị thi công) cho biết: “Chúng tôi đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1995 và đã có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án nhiệt điện. Một số dự án nhiệt điện lớn có thể kể đến như: Mông Dương, Vĩnh Tân, Sông Hậu, Nghi Sơn... Chúng tôi mong muốn sẽ góp được một phần công sức cho dự án nhiệt điện này, đảm bảo được hiệu quả đề ra ban đầu”.


Tạo điều kiện cho chủ đầu tư


Lãnh đạo tỉnh xác định, dự án này sẽ tạo động lực phát triển bền vững cho công nghiệp của địa phương, đặc biệt là phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, cảng biển. Chính vì vậy, thời gian qua, chính quyền các cấp đã tạo mọi điều kiện nhằm giúp chủ đầu tư thuận lợi nhất khi triển khai dự án. Để cung cấp điện cho việc thi công, chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa đã thống nhất xây dựng đường dây truyền tải 110kV. Bên cạnh đó, dự án đường dây tải điện mạch kép từ Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 về Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân với chiều dài 172,5km, đi qua 3 tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, do Tổng Công ty Truyền tải điện làm chủ đầu tư; đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho Bộ Công Thương phê duyệt.


Về vấn đề giao thông, dự án cải tuyến Tỉnh lộ 1B dài gần 10km, nối từ Nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin đến gần Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong đến nay đã thông tuyến và đưa vào sử dụng, các hạng mục còn lại đang gấp rút hoàn thành. Cảng Tổng hợp Nam Vân Phong cũng đã cơ bản hoàn thành, góp phần thuận lợi trong việc vận chuyển nhiên liệu cho Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 khi đi vào hoạt động. Ngoài ra, vấn đề cấp nước cho dự án được Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa đảm nhận.


Ông Hoàng Đình Phi - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho biết, dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 là dự án động lực, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và Khu Kinh tế Vân Phong nói riêng. Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần thực hiện an ninh năng lượng; giải quyết việc làm cho người lao động và đóng góp cho ngân sách địa phương. Không chỉ vậy, dự án được kỳ vọng sẽ có sức lan tỏa, thúc đẩy, thu hút các dự án khác đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong, phát triển công nghiệp địa phương, tạo sức bật cho kinh tế Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ.


Tuy nhiên, do đây là dự án có sức lan tỏa lớn đến kinh tế - xã hội địa phương nên lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện nghiêm túc theo hợp đồng và quy định của pháp luật Việt Nam; triển khai đúng tiến độ, đảm bảo an toàn lao động và chất lượng công trình. Đặc biệt, cần đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn về môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành, đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Tỉnh sẽ tích cực hỗ trợ chủ đầu tư để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nhằm đưa dự án đi vào vận hành thương mại vào năm 2023.


Đình Lâm