Với tình hình xuất khẩu tiểu ngạch gặp khó, cơ quan quản lý đang đề xuất những giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho hàng nông, thủy sản vào thị trường Trung Quốc.
Bài 2: Hướng đến sản xuất an toàn
Với tình hình xuất khẩu tiểu ngạch gặp khó, cơ quan quản lý đang đề xuất những giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho hàng nông, thủy sản vào thị trường Trung Quốc.
Tăng cường hàng rào kỹ thuật
Theo lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), năm qua, Trung Quốc đã có nhiều thay đổi trong chính sách biên mậu, theo hướng giảm tiểu ngạch chuyển sang chính ngạch. Điều này buộc các doanh nghiệp (DN) Việt Nam muốn làm ăn lâu dài tại thị trường Trung Quốc phải có sự chuyển biến trong việc xuất khẩu hàng nông, thủy sản. Trung Quốc sẽ siết chặt các quy định về kiểm dịch, nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm tra chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. DN xuất khẩu vào Trung Quốc nếu vi phạm các quy định trên sẽ bị đưa vào diện chú ý, gửi văn bản thông báo vi phạm và có thể loại khỏi danh sách các DN được xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc.
Theo đó, các sản phẩm của Việt Nam chưa chấp nhận kiểm dịch tại Trung Quốc sẽ không được giao dịch biên mậu, cụ thể là các sản phẩm: sứa, cá biển, nguyên liệu bột từ bột xương, rong biển, dược liệu; tất cả các sản phẩm cá nuôi hay đánh bắt từ biển đều phải lấy từ nơi có đăng ký DN Việt Nam, khi khai báo hải quan phải xuất chứng thư về thủy sản do Nhà nước Việt Nam cấp; các sản phẩm thủy, hải sản nhập khẩu, bao bì đóng gói phải chắc chắn, chú thích đầy đủ tên khoa học, quy cách, ngày sản xuất, số lô, điều kiện bảo quản, phương thức sản xuất, vùng sản xuất... Đối với hàng đông lạnh khô bắt buộc phải kiểm dịch, bao gồm 23 loại, trong đó có tôm chân trắng, cá chim vây bạc, cá chình Nhật Bản... Yêu cầu đối với sản phẩm hoa quả bắt buộc phải thuộc các vườn trái cây, hoặc đóng gói được cơ quan chức năng Việt Nam đăng ký và Tổng cục Hải quan xác nhận (danh sách công bố trên trang web của Tổng cục Hải quan Việt Nam), bắt buộc tiêu chuẩn kiểm dịch gồm: Thanh long, mít, nhãn, vải, xoài, chuối, chôm chôm, dưa hấu. Tem nhãn in trên bao bì trước khi xuất xưởng, bao gồm tên gọi, xuất xứ, mã đại lý, xưởng đóng gói... Về thủ tục, đơn vị xuất khẩu phải là DN Việt Nam được cấp mã DN xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) cấp; chứng thư kiểm dịch cũng do Nafiqad (chi nhánh) cấp.
Theo ông Nguyễn Ngọc Việt - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, hiện nay, tình hình tiêu thụ các sản phẩm nông, thủy sản gặp một số khó khăn, các cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thủy sản chưa nắm được thông tin, bị động trong việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của phía Trung Quốc. Ngoài ra, một số hộ nuôi không đúng quy hoạch, lạm dụng kháng sinh, hóa chất, do đó khó khăn cho việc cấp mã số vùng nuôi. Các DN thu mua, sơ chế, đóng gói, đặc biệt là tôm hùm, ốc hương, xoài vốn quen xuất khẩu tiểu ngạch nên sẽ không kịp ứng phó. Một số nông sản chủ lực của tỉnh chưa đạt các chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn như: GAP, VietGAP, GlobalGAP nên khó tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.
Đề xuất nhiều giải pháp
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 DN được cấp mã code xuất khẩu (giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm) và đã gửi danh sách sang Trung Quốc gồm: Công ty TNHH MTV Hải sản Thành Phát (TP. Nha Trang), Công ty TNHH Đánh bắt chế biến thủy sản Hoàng Sa (Nha Trang), Công ty TNHH Thương mại dịch vụ hải sản Linh Phát (TP. Cam Ranh), Công ty TNHH Thương mai dịch vụ sản xuất Phát Lợi (Cam Ranh). Tuy nhiên, đến thời điểm này, phía Trung Quốc chưa cập nhật nên chưa có lô hàng nào xuất đi Trung Quốc từ 4 DN này. |
Ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho hay, với tình hình nông, thủy sản vào thị trường Trung Quốc gặp khó, sở đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm bình ổn thị trường. Theo đó, sở kiến nghị tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thông tin đến các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, thủy sản nắm bắt các quy định của thị trường, tránh tình trạng đưa hàng qua cửa khẩu chưa đáp ứng các quy định về xuất khẩu. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các hộ chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản theo đúng quy hoạch được duyệt; đồng thời hướng dẫn các địa phương, cơ sở đăng ký mã số vùng trồng theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu; tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông thủy sản an toàn giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh, để hình thành các vùng sản xuất phù hợp chứng nhận VietGAP; hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác đã được chứng nhận VietGAP trong việc quảng bá thương hiệu, gắn kết thị trường tiêu thụ thông qua nhà hàng, bếp ăn tập thể, siêu thị, điểm dừng chân... nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản theo quy trình VietGAP; nhân rộng mô hình chuỗi cung cấp sản phẩm an toàn đã được chứng nhận VietGAP theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và DN, cơ sở kinh doanh, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm được chứng nhận VietGAP; nghiên cứu tham gia xây dựng đề án chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Được biết, Sở NN-PTNT đang tham mưu tỉnh ban hành Quyết định về phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của sở.
V.L