10:10, 28/10/2019

Xã Diên Đồng: Đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng

Hiện nay, ở xã Diên Đồng, nhiều vùng đồi, ruộng mía đã được thay bằng cây keo, dâu tằm, bưởi da xanh. Đây là 3 loại cây trồng nông dân Diên Đồng ưu tiên chuyển đổi.

Hiện nay, ở xã Diên Đồng, nhiều vùng đồi, ruộng mía đã được thay bằng cây keo, dâu tằm, bưởi da xanh. Đây là 3 loại cây trồng nông dân Diên Đồng ưu tiên chuyển đổi.


Những cây trồng chủ lực


Bà Trần Thị Thu Thảo (thôn 4) cho biết, từ khi chuyển đổi từ cây mía sang trồng dâu nuôi tằm, nỗi lo thu nhập của gia đình bà vơi đi. Với diện tích 8 sào dâu (8.000m2), trong đó 4 sào đang cho thu hoạch, mỗi tháng, bà sản xuất được 2 hộp kén (1 hộp kén gần 50kg, giá bán 125.000 - 135.000/kg). Sau khi trừ chi phí, vợ chồng bà thu được 13 triệu đồng/tháng. Trồng dâu, nuôi tằm hiện nay không vất vả như trước đây. Mọi thứ đều thuận lợi, từ việc trồng dâu ngoài bãi, đến nuôi tằm trên nong, rồi thu hoạch kén. Sản phẩm làm ra đã có nhà máy hay tư nhân thu mua; vật tư, thiết bị cũng được cung cấp đầy đủ.

 

Thu hoạch bưởi da xanh tại vườn bưởi của ông Tuấn.

Thu hoạch bưởi da xanh tại vườn bưởi của ông Tuấn.


Ông Nguyễn Ngọc Thự (thôn 5) cho hay, tuy có lúc giá cả lên, xuống theo thị trường, việc cung cấp của tư nhân không đồng đều nhưng nhìn chung việc sản xuất dâu tằm vẫn cho thu nhập khả quan. Với diện tích 7.000m2 ruộng dâu, vợ chồng ông thu nhập bình quân 12 triệu đồng/tháng.


Thăm vườn bưởi 3 năm tuổi của ông Đặng Minh Tuấn (thôn 5) mới thấy hết hiệu quả của việc chuyển đổi cây trồng. Đất trồng bưởi của ông nằm trên đồi, trước đây trồng mía, hiện nay bưởi đã khép tán. Tuy vườn bưởi (1ha) mới cho thu hoạch năm đầu nhưng kết quả rất khả quan, ước tính lãi 100 - 150 triệu đồng (năng suất ban đầu 4 tấn/ha). Vườn bưởi được ông đấu nối hệ thống tưới, sử dụng long não diệt côn trùng. Theo ông Tuấn, hiện nay, trong khu vực có rất nhiều hộ chuyển đổi theo mô hình này, toàn thôn ước 40 - 50ha bưởi. Riêng hộ ông được Nhà nước hỗ trợ kinh phí chuyển đổi 9 triệu đồng.


Theo ông Trần Văn Oánh - Trưởng thôn 4, cây keo được nông dân chuyển đổi từ khá lâu, chủ yếu trên các khu vực đồi cao. Việc chuyển đổi này diễn ra khá mạnh, nhất là từ khi giá cây mía bấp bênh. Ước diện tích trồng keo toàn xã lên tới 300ha. Hiệu quả cây keo khá rõ. Keo 3 năm tuổi cho lợi nhuận 3 triệu đồng/sào; 4 năm tuổi: 4 triệu đồng/sào; 5 năm tuổi: 5 triệu đồng/sào...

Kiến nghị bổ sung diện tích hỗ trợ


Theo ông Nguyễn Thành Long - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Diên Đồng, 3 năm trở lại đây, diện tích chuyển đổi cây trồng của địa phương tăng nhanh. Đến nay, tổng diện tích chuyển đổi từ đất trồng cây kém hiệu quả sang các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn (chủ lực là cây ăn quả như bưởi, mít, xoài, không tính cây keo) là 114ha. Tuy nhiên, theo kế hoạch chuyển đổi giai đoạn 2017 - 2019 xã lập trước đây chỉ có 50ha. Xã kiến nghị huyện, tỉnh xem xét bổ sung diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã (đăng ký ngoài kế hoạch) trong năm 2020 là 52,5ha để người dân được nhận khoản hỗ trợ tương ứng.


Ông Huỳnh Kỳ Vũ - Chủ tịch UBND xã Diên Đồng cho rằng, hiện nay, tỉnh đã tháo gỡ nhiều vấn đề còn bất cập trong quá trình chuyển đổi cây trồng. Cụ thể, Quyết định 1609 (ngày 7-6-2018) thay cho Quyết định 661 (ngày 13-3-2017) của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh đã không còn ràng buộc về diện tích. Do vậy, kết quả chuyển đổi tại địa phương đạt cao, nông dân rất phấn khởi. Qua kiểm tra, tỉnh, huyện đánh giá xã Diên Đồng là một trong những địa phương có bước chuyển đổi cây trồng nhanh và mạnh mẽ. Tuy nhiên, hiện nay, nông dân Diên Đồng vẫn còn băn khoăn là vùng quy hoạch điện mặt trời 400ha tại địa bàn thôn 4 không được tỉnh hỗ trợ kinh phí chuyển đổi. Trong khi đó, người dân vẫn đang canh tác và thực hiện chuyển đổi do tỉnh chưa có văn bản thu hồi đất. Về vấn đề này, lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay, xã chưa có văn bản kiến nghị nên sở chưa có cơ sở tham mưu, giải quyết.


V.L