12:08, 30/08/2019

Tăng diện tích cây ăn quả, giảm cây mía

Trước những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, chủ yếu do thời tiết biến đổi cực đoan, Đề án Chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục được UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp. Trong đó, việc chuyển đổi cây mía đường kém hiệu quả đang được nhiều địa phương quan tâm.

Trước những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, chủ yếu do thời tiết biến đổi cực đoan, Đề án Chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục được UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp. Trong đó, việc chuyển đổi cây mía đường kém hiệu quả đang được nhiều địa phương quan tâm.


Điều chỉnh diện tích chuyển đổi


Đề án Chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2016 - 2020 được UBND tỉnh phê duyệt vào cuối năm 2016. Các địa phương đăng ký và triển khai từ năm 2017. Mỗi năm, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế đăng ký của người dân, tổng hợp gửi đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, tham mưu UBND tỉnh ra quyết định hỗ trợ. Trong các năm 2017, 2018 và mới đây, đề án này đều được điều chỉnh theo hướng tăng diện tích. Trong đó, nếu như diện tích chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu gần như ít thay đổi, thì việc chuyển đổi đất hàng năm, lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả lại tăng mạnh.

 

Một hộ dân ở xã Ninh Xuân, Ninh Hòa đã chuyển sang trồng bưởi trên diện tích mía đường.

Một hộ dân ở xã Ninh Xuân, Ninh Hòa đã chuyển sang trồng bưởi trên diện tích mía đường.


Cụ thể, ban đầu Đề án Chuyển đổi cây trồng đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có hơn 3.400ha diện tích cây trồng được chuyển đổi. Trong đó, chỉ có hơn 1.000ha đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn quả, còn lại chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng hàng năm khác. Năm 2017, đề án này được điều chỉnh đến năm 2020 chuyển đổi gần 5.900ha. Tháng 5-2018, tỉnh tiếp tục điều chỉnh đề án theo hướng đến năm 2020, diện tích chuyển đổi trên 7.260ha. Đến đầu tháng 7-2019, đề án tiếp tục được chỉnh sửa với mục tiêu đến năm 2020, diện tích chuyển đổi sẽ đạt 8.231ha. Trong đó, diện tích đất hàng năm, lâu năm kém hiệu quả được khuyến khích chuyển sang trồng cây ăn quả được điều chỉnh lên 5.000ha.

Dịch chuyển cây mía đường


Theo Chi cục Phát triển nông thôn, không chỉ tăng diện tích, mà theo từng năm, từng giai đoạn, nội dung chuyển đổi cũng có sự chuyển dịch.


Trong 2 năm 2017 và 2018, tỉnh đã chi hơn 28 tỷ đồng để người dân chuyển đổi khoảng 1.000ha cây trồng. Trong thời gian này, việc chuyển đổi chủ yếu diễn ra ở 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh… với việc chuyển đổi diện tích đất đồi, vườn rẫy tạp sang trồng cây ăn quả. Đơn cử như năm 2018, trong số 630ha chuyển đổi cây trồng được phê duyệt, tại Khánh Sơn đã đăng ký chuyển đổi nhiều nhất với 386ha. Hầu hết trong số này được người dân chuyển từ bắp, mì, rẫy tạp sang trồng sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm và mía tím.


Bước sang năm 2019, phần lớn diện tích chuyển đổi được tập trung vào cây mía đường. Theo cơ quan chức năng, nội dung chuyển đổi được tổng hợp từ nhu cầu thực tế, đăng ký của nông dân. Theo UBND thị xã Ninh Hòa, trong năm 2019, địa phương có kế hoạch chuyển đổi khoảng 350ha. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, phần lớn do cây mía không còn hiệu quả, trên cơ sở thực tế tại các địa phương, thị xã đã có tờ trình bổ sung diện tích chuyển đổi cây trồng năm nay lên 538,8ha. Ngoài ra, kế hoạch năm 2020 chuyển đổi 358ha cũng đã được điều chỉnh lên 946ha, phần lớn trong số đó là chuyển từ đất mía kém hiệu quả sang trồng cây khác.


Tương tự, theo lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm, trong năm 2019, huyện chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân chuyển diện tích mía không chủ động được nước tưới, năng suất thấp, kém hiệu quả sang trồng rừng, cây công nghiệp, cây ăn quả. Diện tích đất mía kém hiệu quả chuyển sang cây trồng khác trong năm 2019 của huyện Cam Lâm là hơn 65ha.


Nhu cầu chuyển đổi diện tích mía kém hiệu quả sang cây trồng khác tăng mạnh là điều dễ hiểu. Không chỉ không có lãi, phần lớn người trồng mía trong 2 niên vụ qua may mắn thì huề vốn, nhiều hộ chịu thua lỗ. Tiền bán mía không đủ bù lại chi phí bỏ ra. Niên vụ này, khó khăn càng thêm chồng chất hơn khi cây mía đang phát triển kém, bị khô hạn và cháy. Hy vọng với nỗ lực tìm kiếm cây trồng mới thích hợp hơn, cùng với cú hích từ chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi từ Nhà nước, những cây trồng không còn phát huy hiệu quả sẽ dần được thay thế bằng những loại cây có thể mang lại thu nhập tốt hơn cho nông dân.


Hồng Đăng