10:03, 17/03/2019

Diên Khánh: Định hướng phát triển vùng trồng dâu nuôi tằm

Với những kết quả đạt được qua mô hình trồng dâu nuôi tằm thí điểm, huyện Diên Khánh đang chủ trương quy hoạch và định hướng phát triển vùng trồng dâu nuôi tằm nhằm góp phần giải quyết lao động nông nhàn, tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn.  
 

Với những kết quả đạt được qua mô hình trồng dâu nuôi tằm thí điểm, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đang chủ trương quy hoạch và định hướng phát triển vùng trồng dâu nuôi tằm nhằm góp phần giải quyết lao động nông nhàn, tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn.  

 

Người dân xã Diên Đồng thu hoạch lá dâu.
Người dân xã Diên Đồng thu hoạch lá dâu.
 
Tạo việc làm cho lao động nông thôn
 
Năm 2016, Phòng Kinh tế huyện Diên Khánh triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn với sự tham gia của Công ty TNHH Hoàng Mai NMC. Theo báo cáo của Trạm Khuyến nông và Khuyến lâm huyện, năm 2016, trạm đã trình diễn 1ha trồng dâu nuôi tằm tại xã Diên Đồng, vốn khuyến nông hỗ trợ gần 17,3 triệu đồng cho 5 hộ thực hiện. Năm 2017, huyện trình diễn 3ha trồng dâu nuôi tằm tại các xã: Diên Đồng, Diên Thọ, Diên Sơn, Suối Hiệp với vốn khuyến nông hỗ trợ 51,8 triệu đồng cho 6 hộ. Năm 2018, huyện tiếp tục triển khai 3ha trồng dâu nuôi tằm tại các xã: Diên Tân, Diên Lâm, Diên Xuân với vốn khuyến nông hỗ trợ 51,8 triệu đồng.
 
Sau 3 năm triển khai, kết quả cho thấy năm đầu tiên không có lãi do năng suất lá dâu tính bình quân chỉ bằng 50% năm thứ 2, chi phí ban đầu khá cao. Từ năm thứ 2 trở đi, người dân bắt đầu có lãi. Ông Hoàng Trọng Diếp (thôn 5, xã Diên Đồng) cho biết, gia đình ông trồng 6.000m2 dâu từ cuối năm 2017. Đến nay, mỗi tháng, ông thu khoảng 90kg kén. Với giá bán 150.000 đồng/kg, ông thu hơn 13 triệu đồng. Trừ chi phí, gia đình ông lãi 7 triệu đồng/tháng. “Do vợ chồng tôi đã lớn tuổi nên chỉ thu hoặch dâu bằng 1/2 sản lượng các hộ khác. Nghề trồng dâu nuôi tằm không chỉ phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở đây mà còn tạo việc làm cho lao động nông nhàn, quá tuổi lao động như chúng tôi”, ông Diếp nói. Theo ông Hoàng Kỳ Vũ - Chủ tịch UBND xã Diên Đồng, nghề trồng dâu nuôi tằm đã góp phần giúp địa phương giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Hiện nay, toàn xã có hơn 10ha trồng dâu. Hộ có khoảng 2.000 - 3.000m2 trồng dâu và nhà nuôi tằm rộng 120m2 thì thu nhập bình quân 6 - 7 triệu đồng/tháng.     
 
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện, Diên Khánh có nhiều thuận lợi khi thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm khi điều kiện khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng khá phù hợp cho nghề này; quỹ đất để phát triển cây dâu còn nhiều, năng suất lá dâu thâm canh bằng và tương đương tại tỉnh Lâm Đồng (25 tấn lá/ha/năm). Ngoài ra, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn có sự liên kết, doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nghề nuôi trực tiếp cho nông dân tại gia đình, cung ứng tằm giống, giống dâu, vật tư dụng cụ sau đó thu dần vào mỗi lần bán kén; doanh nghiệp thu mua 100% sản phẩm kén tằm. Chi phí đầu tư trồng dâu không cao, một lần trồng có thể thu hoạch 10 - 20 năm, có thời gian quay vòng vốn nhanh. Tuy nhiên, nghề trồng dâu nuôi tằm cũng đòi hỏi lao động có tay nghề, có kiến thức, am hiểu và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, nếu không làm cẩn thận có thể mất cả vốn lẫn lời. Môi trường nuôi tằm rất nhạy cảm với ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật, khí thải, nước thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt… 
 
Đưa vào danh mục chuyển đổi cơ cấu cây trồng
 
Từ những mô hình trình diễn của Trạm Khuyến nông và Khuyến lâm huyện, người dân ở nhiều địa phương đã nhân rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm. Đến cuối năm 2018, toàn huyện có 14,8ha. Trong đó, Công ty Hoàng Mai 0,8ha; các hộ trồng 14ha tại các xã: Diên Sơn, Suối Hiệp, Diên Thọ, Diên Đồng, Diên Tân, Suối Tiên, Diên Phước, Diên Lâm và Diên Xuân. 
 
Ông Nguyễn Tấn Cường - Trưởng phòng Kinh tế huyện Diên Khánh cho biết, về lâu dài, huyện sẽ quy hoạch và định hướng phát triển vùng trồng dâu nuôi tằm cách xa ruộng lúa hoặc cây trồng sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và tập trung phát triển tại vùng có nhiều lao động nông nghiệp. Đồng thời, huyện sẽ tăng cường các hoạt động phổ biến khoa học kỹ thuật về trồng dâu, nuôi tằm, vệ sinh sát trùng, phòng trị bệnh cho tằm, các biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng tơ kén; phối hợp với doanh nghiệp cung cấp giống dâu, giống tằm và vật tư cho sản xuất, phổ biến kiến thức và tiến bộ kỹ thuật cho người dân; xây dựng các mô hình điểm để sau đó người dân tự truyền bá kiến thức cho nhau.
 
Huyện cũng định hướng thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm có liên kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định lâu dài với doanh nghiệp; ràng buộc cụ thể quyền lợi, trách nhiệm các bên trong hợp đồng liên kết về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Huyện sẽ đưa cây dâu tằm vào danh mục chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
 
MAI HOÀNG