11:01, 13/01/2019

Công nghiệp Khánh Hòa: Nhiều thách thức trong năm 2019

Năm 2018 là năm thứ 2 liên tiếp ngành Công nghiệp của tỉnh Khánh Hòa chịu hậu quả nặng nề từ thiên tai. Tuy nhiên, với nỗ lực của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý, Công nghiệp Khánh Hòa đã có những bước tăng trưởng đáng khích lệ.

Năm 2018 là năm thứ 2 liên tiếp ngành Công nghiệp (CN) của tỉnh chịu hậu quả nặng nề từ thiên tai. Tuy nhiên, với nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) và cơ quan quản lý, CN Khánh Hòa đã có những bước tăng trưởng đáng khích lệ. Song, đứng trước mục tiêu tăng trưởng tốt hơn trong năm 2019, DN và cơ quan quản lý đang gặp không ít khó khăn.


Hoàn thành chỉ tiêu 2018


Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Năm 2018 là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh giữa các nước lớn diễn ra gay gắt. Trong tỉnh, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của các DN còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; thiên tai xảy ra liên tiếp, nhất là ảnh hưởng của cơn bão số 8, số 9 đã khiến nhiều đơn vị thiệt hại nặng nề. Song, với nỗ lực của DN cũng như các cấp quản lý, ngành CN của tỉnh vẫn tiếp tục tăng trưởng”. Chỉ số sản xuất CN (IIP) toàn tỉnh tăng 7% so năm 2017; giá trị sản xuất CN năm 2018 ước đạt 51.117,8 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm trước. Trong đó, một số sản phẩm chủ yếu như: nước yến và nước bổ dưỡng khác ước đạt 56,9 triệu lít; bia các loại ước đạt 72 triệu lít; thuốc lá điếu ước đạt 835 triệu bao; đường các loại ước đạt 143 ngàn tấn; chế biến thủy sản đông lạnh ước đạt 80 ngàn tấn; điện thương phẩm ước đạt 3.009 triệu kWh, điện sản xuất ước đạt 230 triệu kWh...

 

Cảng Cam Ranh.

Cảng Cam Ranh.


Các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN) cũng có những tín hiệu đáng khích lệ. Đến thời điểm hiện tại, KKT Vân Phong (bao gồm cả KCN Ninh Thủy) đã có 64 DN (43 DN trong nước và 21 DN có vốn đầu tư nước ngoài) đi vào hoạt động; giải quyết việc làm cho 6.119 lao động (trong đó có 5.980 lao động Việt Nam và 139 lao động nước ngoài). Tổng doanh thu KKT Vân Phong đạt 441,68 triệu USD, tăng 13% so với năm 2017. Ngoài ra, nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động trung chuyển dầu tại KKT Vân Phong (đến hết ngày 13-12-2018) đạt 6.558 tỷ đồng, tăng 17%.


Tại KCN Suối Dầu, hiện có 53 DN đầu tư. Trong số các DN đang hoạt động, có 22 DN trong nước và 14 DN có vốn đầu tư nước ngoài. KCN này giải quyết việc làm cho gần 13.000 lao động (12.766 lao động Việt Nam) tăng 5,8% so với năm 2017. Doanh thu đạt 400,9 triệu USD; xuất khẩu đạt 375,37 triệu USD, tăng 11%. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 7 CCN đã được UBND tỉnh ra quyết định thành lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng; trong đó 3 CCN: Diên Phú (xã Diên Phú, huyện Diên Khánh), Đắc Lộc (xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang), Chăn nuôi Khatoco (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) đã đi vào hoạt động, thu hút 52 dự án và có 44 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 4.520 lao động. Các CCN Trảng É, VCN Diên Phú, Sông Cầu đã cơ bản hoàn thành hạ tầng, đang bàn giao cho các nhà đầu tư thứ cấp.


Còn nhiều khó khăn


Theo đánh giá của Sở Công Thương, năm 2019, tình hình sản xuất CN sẽ gặp nhiều khó khăn. Lũ lụt và cơn bão số 8, số 9 (tháng 11-2018) đã làm một số đơn vị bị ảnh hưởng, tác động đến chỉ số sản xuất CN chung của tỉnh. Một số dự án giãn tiến độ và kéo dài thời gian đầu tư đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành. Tiểu thủ CN tuy có tăng trưởng nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ, năng suất chất lượng sản phẩm thấp, sức cạnh tranh yếu. Hoạt động khuyến công có nhiều chuyển biến, kết quả đáng ghi nhận nhưng chưa thực sự là động lực để phát triển CN nông thôn.

 

Công nghiệp đóng tàu chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu công nghiệp.

Công nghiệp đóng tàu chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu công nghiệp.


Năm 2019, Sở Công Thương phấn đấu đưa chỉ số sản xuất CN tăng từ 6 đến 6,5% và giá trị sản xuất CN ước đạt 54.440 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2018. Tuy chỉ tiêu này chưa phải là cao, song để hoàn thành không hề đơn giản. Lĩnh vực chế biến là thế mạnh của tỉnh, năm 2018 đã tăng trưởng “kịch trần”, do đó, để đạt mục tiêu của năm 2019, DN phải cố gắng rất nhiều. Dự báo, năm nay, ngành thuốc lá sẽ có tốc độ tăng trưởng không cao do thực hiện kế hoạch di dời nhà máy vào CCN Trảng É dẫn đến sản lượng sản xuất sẽ giảm. Các ngành bia - nước giải khát trong năm 2018 đã tăng cao nên trong năm 2019 mức tăng trưởng cũng sẽ chững lại… Bên cạnh đó, năm 2019 dự kiến các dự án điện mặt trời sẽ bắt đầu sản xuất điện, tuy nhiên mức giải phóng công suất tối đa khoảng 200MW nên khả năng đóng góp chung cho sự tăng trưởng là chưa cao.


Theo ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, để CN tiếp tục có những tăng trưởng, trong thời gian tới cần đẩy mạnh hoạt động cải cách thủ tục hành chính, nhất là đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh được thuận lợi, nhanh chóng; tập trung chuyển đổi cơ cấu ngành hợp lý, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tập trung phát triển các ngành có hàm lượng công nghệ cao, tỷ trọng giá trị tăng cao, có lợi thế so sánh, từng bước giảm tỷ trọng các ngành gia công, sơ chế và khai thác tài nguyên; ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài đối với các dự án đầu tư sản xuất có hàm lượng công nghệ cao; hỗ trợ DN trong nước đổi mới công nghệ, thiết bị, nhằm nâng tỷ lệ đổi mới công nghệ trong sản xuất, áp dụng công nghệ hiện đại, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao.


Đình Lâm