Đợt mưa lũ vừa qua, các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, để kịp lịch thời vụ, nông dân đang khẩn trương làm đất để xuống giống sớm vụ đông xuân 2018 - 2019.
Đợt mưa lũ vừa qua, các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, để kịp lịch thời vụ, nông dân đang khẩn trương làm đất để xuống giống sớm vụ đông xuân 2018 - 2019.
32 công trình thủy lợi bị thiệt hại
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện, các đợt mưa lũ vừa qua đã khiến 32 công trình thủy lợi và 22 công trình giao thông trên địa bàn huyện bị hư hại, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sản xuất vụ đông xuân của người dân. Những công trình bị hư hại nặng, cần khắc phục khẩn cấp như: sạt lở bờ kênh tiêu thoát lũ hồ Cây Sung gây bồi lấp ruộng của đồng bào dân tộc thiểu số xã Diên Tân; đường vào khu sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số thôn Lỗ Gia (xã Suối Tiên); bồi lấp trạm bơm của các hợp tác xã dọc sông Cái; sạt lở kênh mương của các xã: Diên Toàn, Suối Tiên, Diên Xuân…Ông Nguyễn Tấn Cường - Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết: “Trong tuần này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở, ngành của tỉnh sẽ kiểm tra, đánh giá mức độ hư hại của các công trình thủy lợi trên địa bàn để đưa ra hướng xử lý. Trước mắt, huyện và các địa phương sẽ chủ động khắc phục một số công trình để phục vụ lịch gieo sạ vụ đông xuân của người dân”.
Theo kế hoạch sản xuất, lịch gieo sạ toàn huyện dự kiến bắt đầu từ ngày 5-12. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ vừa qua nên hiện nay phần lớn nông dân vẫn chưa gieo sạ được, chỉ tập trung cày bừa, làm đất. Đối với các xã thuộc hạ lưu các hồ đập như: Diên Lộc, Diên Điền, Diên Tân, Suối Tiên…, một số diện tích vẫn chưa thể tiến hành sản xuất do bị đất sạt lở, bồi lấp. Ông Võ Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Suối Tiên cho biết, một số công trình thủy lợi trên địa bàn xã bị thiệt hại do mưa lũ nên lịch gieo sạ của người dân chậm hơn lịch dự kiến của huyện. Xã đã chỉ đạo hợp tác xã đẩy nhanh kế hoạch làm đất để kịp thời vụ; đồng thời cung ứng giống, phân bón cho nông dân đảm bảo chất lượng, đúng chủng loại, nhất là giống chủ lực và nguồn giống dự phòng cho mùa mưa.
Phấn đấu giống chủ lực đạt 85% diện tích
Rút kinh nghiệm từ các vụ sản xuất trước và để tăng hiệu quả sản xuất của vụ đông xuân này, huyện đã chỉ đạo các địa phương cần lựa chọn cơ cấu giống chủ lực hợp lý; mỗi địa phương chỉ nên chọn 2 - 3 giống vào cơ cấu giống chủ lực như: TH41, TH6, ML 202… Huyện cũng phấn đấu cơ cấu giống chủ lực của năm nay đạt khoảng 85% diện tích (vụ đông xuân 2017 - 2018 đạt 80%); còn lại ưu tiên các giống có tiềm năng đã được khảo nghiệm, trình diễn tại các vụ sản xuất trước. Các địa phương khuyến cáo nông dân không nên dùng lại giống trên những chân ruộng nhiễm sâu bệnh; ưu tiên sử dụng những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh thời vụ trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường.
Những năm gần đây, chương trình liên kết sản xuất lúa giống gắn với tiêu thụ sản phẩm được các địa phương triển khai mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Chỉ tính riêng vụ đông xuân trước, toàn huyện đã liên kết sản xuất lúa giống trên diện tích 809ha. Tuy nhiên, sản lượng được các công ty giống thu mua lại quá ít, chỉ hơn 40% sản lượng sản xuất ra. Nguyên nhân khiến công ty không thu mua giống là do lúa trổ trong điều kiện bất lợi, lúa bị lem lép hạt, bị đổ ngã, lẫn tạp… Do đó, vụ đông xuân năm nay, huyện chỉ đạo các hợp tác xã có liên kết sản xuất lúa giống phải bố trí gieo sạ, trổ tập trung trong thời gian ngắn, tạo thuận lợi trong công tác điều hành tưới, quản lý dịch hại và cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng lúa giống. Bên cạnh đó, huyện chủ trương mở rộng mô hình cánh đồng mẫu từ 15ha lên 20ha (đối với các hợp tác xã có diện tích canh tác lúa nước lớn hơn 100ha) và từ 6ha lên 10ha (đối với các hợp tác xã có diện tích canh tác nhỏ hơn 100ha).
MAI HOÀNG