09:12, 04/12/2018

Hàng nghìn lồng tôm chết trắng

Trong những ngày đầu tháng 12, hàng nghìn lồng tôm hùm ở TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) chết trắng, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là ngư dân phường Cam Thuận. Nhiều hộ nuôi tôm trong chốc lát trắng tay vì mất cả chục tỷ đồng chỉ sau một đêm.

 

Trong những ngày đầu tháng 12, hàng nghìn lồng tôm hùm ở TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) chết trắng, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là ngư dân phường Cam Thuận. Nhiều hộ nuôi tôm trong chốc lát trắng tay vì mất cả chục tỷ đồng chỉ sau một đêm.


Không kịp trở tay


Đến sáng 4-12, ông Phạm Ngọc Thành (tổ dân phố Thuận Hải, phường Cam Thuận) vẫn còn thất thần, bởi chỉ sau một đêm gia đình ông mất cả tỷ đồng. Ông Thành kể, chiều 1-12, ông ra thăm tôm thì thấy tôm “rất khờ” với các hiểu hiện: bơi chậm, càng co lại, bỏ ăn… Khi đó, gia đình ông cũng lo, nhưng cứ nghĩ là tôm bỏ ăn bình thường nên nấn ná để qua đêm xem sao. “Sáng 2-12, khi ra bè thì thấy tôm không còn bơi nữa. Vùng nước có màu đen đậm như màu pin. 12 lồng tôm hùm xanh chuẩn bị xuất bán ngửa bụng hết. Tôi vội gọi người ra vớt lên, liên lạc với thương lái để bán vớt vát nhưng không kịp”, ông Thành kể. Ngoài số tôm chuẩn bị bán, hộ ông Thành còn bị thiệt hại 2.500 con tôm hùm giống mới thả được gần 1 tháng.

 

Tôm hùm chết được thu gom về bày la liệt vào sáng 2-12.

Tôm hùm chết được thu gom về bày la liệt vào sáng 2-12.


Tương tự, ông Nguyễn Văn Năm có 11 lồng tôm hùm chuẩn bị xuất bán, sau một đêm mỗi lồng chỉ còn sót lại chưa tới 10 con. “Mỗi lồng tôm theo giá thị trường cũng được 40 triệu đồng, 11 lồng có hơn 400 triệu đồng. Đáng lẽ lứa tôm này bán từ tuần trước nhưng bão vào nên để lại, rồi lại nấn ná chuẩn bị đến cuối năm giá sẽ lên, bán lấy tiền trả nợ ngân hàng và tiêu Tết”, ông Năm xót xa cho biết.


Theo ông Nguyễn Giọng - Tổ trưởng tổ dân phố Thuận Hải, theo tin báo của người dân, tôm chết xuất hiện rải rác từ chiều 30-11. Đến ngày 1-12 thì chết nhiều hơn và nặng nhất là ngày 2-12. Trong tổ dân phố Thuận Hải, có những gia đình bị chết trắng 200 lồng tôm như hộ ông Đỗ Văn Lam, thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. Hộ bà Phạm Thị Kim Thủy cũng bị chết gần 100 lồng, hộ ông Đặng Văn Châu bị chết 80 lồng… Ông Giọng chia sẻ: “Tôm chết bán cho thương lái chỉ vớt vát được khoảng 10% so với giá tôm sống. Trong số các hộ bị thiệt hại, có hộ bán tôm chết cũng được 1 tỷ đồng là biết thiệt hại cỡ nào. Sáng 2-12, đi đâu cũng nghe người dân than vãn vì tiền tỷ bốc hơi theo con tôm. Nhìn ghe chở tôm vào đất liền, xe đông lạnh chở tôm chết đi bán nườm nượp mà xót xa”.


Thống kê của Phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, riêng phường Cam Thuận có khoảng 6.000 lồng tôm bị chết, ước tính thiệt hại khoảng 300 tỷ đồng. Tôm chết chủ yếu đã nuôi từ 5 - 7 tháng, đạt trọng lượng từ 0,3 đến 0,5kg/con. Tại phường Cam Phú cũng thiệt hại nhưng chỉ khoảng 320kg tôm thương phẩm.


Thiếu Oxy hay ô nhiễm


Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước cơn bão số 9 vừa qua, các hộ nuôi tôm đã hạ lồng xuống độ sâu từ 2 - 3m và chưa đưa lên mặt nước. Qua khảo sát, các lồng tôm càng ở sâu càng bị chết nhiều. Nhiều người nghi ngờ tôm chết do thiếu Oxy, nhưng cũng có người cho rằng tôm chết là do ô nhiễm từ một nguồn nước thải nào đó.


Ông Nguyễn Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND phường Cam Thuận cho rằng, tôm chết do cả hai nguyên nhân: thiếu Oxy và ô nhiễm nguồn nước. Theo ông Phúc, báo cáo kê khai đầu năm của các hộ cho thấy, toàn phường chỉ có 5.000 lồng nuôi tôm, nhưng qua khảo sát con số thực tế lên đến khoảng 15.000 lồng. Mật độ nuôi quá dày, không tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn nuôi đã khiến cho tôm bị thiếu Oxy trầm trọng. Bên cạnh đó, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản không có ý thức bảo vệ môi trường khi thả túi ni-lông đựng thức ăn cùng vỏ ốc, vỏ sò tràn lan xuống biển. Trong đợt mưa lũ vừa qua, nguồn nước ngọt cộng với nhiều chất thải chảy từ núi, cống rãnh trên đất liền xuống biển càng khiến tình trạng ô nhiễm trầm trọng hơn.


Theo Phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, tại phường Cam Thuận, các lồng nuôi nằm cách bờ khoảng 2km bị thiệt hại 100%; số lồng nằm cách bờ khoảng 4km trở lên chỉ chết rải rác. Tôm trước khi chết đều có hiện tượng bỏ ăn, ngoi đầu lên mặt nước. Hiện nay, Trạm Thủy sản Cam Ranh đã lấy mẫu nước gửi về Chi cục Thủy sản để xét nghiệm, xác định nguyên nhân khiến tôm chết.


Ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, qua trao đổi nhanh với các hộ nuôi tôm và kiểm tra thực địa của các cơ quan chuyên môn, có thể thấy nguyên nhân ban đầu là do người dân đã hạ thấp lồng nuôi từ 3 - 4,5m để ứng phó với cơn bão số 9. Tầng nước này có hàm lượng Oxy thấp hơn tầng mặt. Bên cạnh đó, do mưa lớn nhiều ngày làm tảo chết, phân hủy dẫn đến hàm lượng Oxy hòa tan trong nước thấp khiến tôm chết.


VĂN KỲ