Đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được UBND thị xã Ninh Hòa phê duyệt. Đề án đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu nhằm tăng giá trị cây trồng, vật nuôi.
Đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được UBND thị xã Ninh Hòa phê duyệt. Đề án đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu nhằm tăng giá trị cây trồng, vật nuôi.
Chủ lực là lúa, mía
Ninh Hòa có hơn 80.000ha đất nông nghiệp. Trong đó, có khoảng 12.000ha đất lúa, 14.000ha đất hàng năm chủ yếu trồng mía (khoảng 10.000ha), còn lại là bắp, khoai, sắn...; hơn 7.800ha đất trồng cây lâu năm; gần 19.800ha đất rừng phòng hộ; hơn 23.300ha đất rừng sản xuất… Những con số trên cho thấy, cây mía và lúa đang tỏ ra vượt trội so với các loại cây trồng khác.
Tuy chiếm nhiều diện tích, nhưng hiệu quả từ cây mía đường và cây lúa chưa như mong đợi. Cây lúa vụ đông xuân và hè thu đang có năng suất bình quân 52 - 53 tạ/ha, vụ lúa mùa thấp hơn, chỉ khoảng 34 tạ/ha. Với cây mía, năng suất bình quân nhiều năm chưa đạt đến 50 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, người trồng chỉ thu nhập khoảng 10 triệu đồng/ha. Riêng niên vụ năm 2018, hầu hết diện tích mía đều hòa vốn, nhiều nhà nông báo lỗ, hộ nào may mắn cũng chỉ lời được khoảng 5 triệu đồng/ha.
Thực tế sản xuất nông nghiệp cho thấy, dù là trồng lúa, mía hay trồng rừng, các hộ nông dân chỉ có thể sống tốt nếu sở hữu diện tích sản xuất lớn, mỗi cây trồng phải từ hàng chục héc-ta trở lên. Do lợi nhuận không lớn, nên phần diện tích sẽ bù đắp lại, để khi tính tổng doanh thu sẽ cho con số đáng kể. Tuy nhiên, số lượng các nông dân sở hữu nhiều ruộng đất lại không nhiều, đa số các hộ trồng lúa chỉ chưa đầy 1ha, trồng mía vài ba héc-ta, nên thu nhập từ 2 cây trồng chiếm nhiều diện tích nhất ở Ninh Hòa hiện nay chưa thể là con đường làm giàu cho các nông dân.
Tập trung chuyển đổi
Mục tiêu mà Ninh Hòa đặt ra là tăng giá trị sản xuất cho mỗi héc-ta đất canh tác hiện khoảng 33 triệu đồng lên 48 triệu đồng vào năm 2020.
Với cây lúa, Ninh Hòa đeo đuổi hình thức chuyên canh lúa giống, lúa hàng hóa chất lượng cao và dần xây dựng thương hiệu sản phẩm từ lúa gạo. Còn cây mía sẽ tập trung vào việc tăng năng suất bằng cách mở rộng vùng mía chủ động nước tưới và cơ giới hóa sản xuất. Tổng cộng sẽ có khoảng 4.000ha đất được chuyển đổi từ nay đến năm 2030.
Trong đó, hình thức chuyển đổi đất 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa 1 vụ màu, chuyển lúa 1 vụ kém hiệu quả, không chủ động nước tưới sang các cây trồng hàng năm khác được áp dụng triệt để.
Diện tích cây hàng năm kém hiệu quả sẽ được chuyển sang trồng cây lâu năm, cây ăn quả. Trên thực tế, hoạt động chuyển đổi cây trồng đã được người dân quan tâm áp dụng, nhất là trong những năm gần đây, diện tích rau, đậu, tỏi… tăng lên khoảng 1.800ha và các loại cây ăn quả như: cam, chanh, bưởi, xoài, chuối, dứa, thanh long, mít... đã lên đến 3.400ha. Đây là những cây trồng đang bước đầu phát huy hiệu quả.
Ở các lĩnh vực khác, Ninh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có ít nhất 20% diện tích rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, 30% diện tích cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; cơ bản không còn hộ chăn nuôi trong khu vực phường nội thị, 90% trở lên hộ chăn nuôi ký cam kết bảo vệ môi trường; 90% trở lên lồng bè nuôi tôm hùm, cá biển nuôi khu vực ven bờ được di dời ra khu vực được quy hoạch tập trung tại Ninh Ích, Ninh Vân. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp hiện nay từ 2,09%/năm lên 3% vào năm 2020.
Ưu tiên nguồn lực cho nước tưới
Là địa phương có mật độ sông, hồ tương đối lớn, nhưng theo cơ quan chuyên môn, các hồ ở Ninh Hòa có sức chứa khá nhỏ, trong khi sông, suối ngắn, có độ dốc lớn, phân bố không đều. Điều này khiến cho địa phương dễ bị ngập úng vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa nắng hạn. Bởi vậy, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, trước hết cần tập trung các giải pháp điều hòa nguồn nước tưới. Đây cũng là hạng mục chiếm đa số nguồn lực để thực hiện Đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của thị xã Ninh Hòa.
Cụ thể, nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện đề án này ước gần 3.880 tỷ đồng. Trong đó, gần 2.900 tỷ đồng được bố trí đầu tư hệ thống thủy lợi. Phần lớn hạng mục này sẽ được dùng để nâng cấp các hồ: Suối Trầu, Sở Quan, Bến Ghe, Suối Sim; các đập: Buôn Tương, Ninh Tịnh, Cầu Lắm; hệ thống kênh nhánh sau thủy điện Ea Krông Rou; xây dựng hồ chứa nước: Chà Rang (xã Ninh Hưng) để phục vụ nuôi trồng thủy sản; hồ Ninh Vân (xã Ninh Vân) để tưới cho cây công nghiệp ngắn ngày, phục vụ nuôi trồng thủy sản và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng; hồ Sông Búng (xã Ninh Tây) có nhiệm vụ tưới cho cây lúa, cây công nghiệp ngắn và dài ngày. Ngoài ra, còn có các hạng mục đầu tư liên quan đến hệ thống kênh dẫn nước, giao thông nội đồng…
Song hành với việc đầu tư các công trình, đề án cũng đưa ra các giải pháp chủ yếu để thực hiện. Trong đó bao gồm các chính sách về đất đai; giá cả, bảo hiểm giá và bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp; tín dụng nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ; xúc tiến thương mại, kết nối thị trường; tăng cường vốn ngân sách cho ngành nông nghiệp; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp; đổi mới tổ chức sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực và quản lý bảo vệ môi trường.
Hồng Đăng
Mục tiêu đến năm 2025: Giá trị sản xuất/ha đất canh tác tăng bình quân 8,3%/năm, đạt 68 triệu đồng/ha; 25% diện tích rau an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; 35% diện tích cây ăn quả trở lên ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy chuẩn an toàn VietGap, GlobalGap.
Định hướng đến năm 2030: Giá trị sản xuất/ha đất canh tác đạt 95 triệu đồng/ha; 30% diện tích rau an toàn VietGap; 50% diện tích cây ăn quả trở lên ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy chuẩn an toàn VietGap, GlobalGap.