10:05, 09/05/2018

Nghề lưới cản khơi gặp khó

Thời gian qua, do hiệu quả chuyến biển không cao, thậm chí thua lỗ nên nhiều tàu hoạt động nghề lưới cản khơi đã phải nằm bờ hoặc chuyển sang khai thác gần bờ hơn.

Thời gian qua, do hiệu quả chuyến biển không cao, thậm chí thua lỗ nên nhiều tàu hoạt động nghề lưới cản khơi đã phải nằm bờ hoặc chuyển sang khai thác gần bờ hơn.


Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban Quản lý cảng Hòn Rớ cho biết: “Thời điểm này những năm trước, hoạt động của cảng Hòn Rớ rất tấp nập, các tàu lưới cản khơi chuyên khai thác cá ngừ sọc dưa về cảng luôn đầy ắp cá. Tuy nhiên, năm nay, cảng Hòn Rớ im ắng hẳn. Với tàu lưới cản khơi, trung bình mỗi tàu chỉ khai thác được 4 - 5 tấn, rất hiếm tàu đạt sản lượng hơn 10 tấn. Cách đây chừng 2 - 3 năm, cao điểm có hơn 200 tàu lưới cản đường dài của ngư dân Khánh Hòa, các tỉnh khu vực Nam Trung bộ về cập cảng Hòn Rớ. Hiện nay, chỉ còn khoảng 30 tàu lưới cản khơi cập cảng, khoảng 60 tàu đã chuyển sang khai thác gần bờ hơn; một số khác, vì nhiều lý do như: thiếu lao động, hiệu quả chuyến biển thấp đã cho tàu nằm bờ”.

 

Sản lượng cá ngừ sọc dưa qua cảng Hòn Rớ  những chuyến biển gần đây thấp.

Sản lượng cá ngừ sọc dưa qua cảng Hòn Rớ những chuyến biển gần đây thấp.


Ngư dân Trần Văn Nam (Hòn Rớ, Nha Trang) cho hay: “Nguyên nhân tàu lưới cản bỏ khai thác ở vùng biển khơi là bởi hiệu quả chuyến biển thấp, thậm chí nhiều tàu thua lỗ nặng. Chi phí cho 1 chuyến biển kéo dài 20 ngày khoảng 120 - 130 triệu đồng. Do chuyến biển kéo dài nhiều ngày, chất lượng hải sản không cao như tàu hoạt động ngắn ngày nên giá bán chỉ được 25.000 đồng/kg. Ngoài ra, do lao động khan hiếm, mỗi tàu cần trung bình 9 - 10 người nên tìm đỏ mắt vẫn không đủ người… Nếu sản lượng đánh bắt được 5 tấn thì chỉ đủ phí tổn, chưa có công bạn thì thử hỏi lao động nào theo nghề”.


Với thực trạng này, một số tàu cá đã chuyển sang hoạt động gần bờ hơn. Ông Nguyễn Văn Tài - ngư dân ở Hòn Rớ chia sẻ: “3 chuyến biển đầu năm nay, tàu cá của gia đình tôi đã thua lỗ đến 2 chuyến. Vì vậy, tôi cho tàu hoạt động ở vùng biển gần bờ hơn, mỗi chuyến chỉ đi chừng 10 ngày là về. Tuy sản lượng thấp hơn, chừng 3 tấn nhưng giá bán lại cao gần gấp đôi so với cá đánh bắt dài ngày, chi phí giảm hơn 50% nên vẫn có lãi.Nhờ đó, tàu của chúng tôi mới giữ được lao động”.

 

Theo lãnh đạo Ban quản lý cảng Hòn Rớ, trong 4 tháng qua, số tàu cập cảng Hòn Rớ chỉ đạt 1.800 lượt, giảm 600 lượt so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tàu cập cảng chủ yếu là câu cá ngừ đại dương, tàu lưới cản khơi rất ít. Sản lượng hải sản qua cảng 4 tháng chỉ đạt 2.700 tấn (trong đó sản lượng cá ngừ sọc dưa đạt 1.300 tấn), giảm 500 tấn so với cùng kỳ năm trước. 

Qua trao đổi với một số ngư dân, được biết hiện có tình trạng vì lợi nhuận, một số tàu công suất lớn chuyển sang khai thác ở vùng lộng, trái với giấy phép khai thác được cấp. Một ngư dân ở phường Vĩnh Trường cho hay: “Cứ vào mùa ruốc hay cá cơm xuất hiện nhiều ở vùng lộng, vùng ven bờ, nhiều tàu công suất lớn, trong đó có tàu lưới cản lại thay lưới, vào khai thác ở vùng lộng, vùng ven bờ. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động của các tàu công suất nhỏ, vi phạm quy định về vùng khai thác mà còn khiến nguồn lợi ven bờ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.   


Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Trong đội tàu khai thác xa bờ hơn 1.300 chiếc của tỉnh, có 215 tàu chuyên hoạt động nghề lưới cản khơi. Để nâng cao hiệu quả khai thác của các tàu lưới cản khơi, thời gian qua, Chi cục Thủy sản khuyến cáo ngư dân thường xuyên theo dõi bản tin dự báo ngư trường, từ đó tổ chức khai thác hợp lý. Ngoài ra, ngư dân cần tập trung đầu tư ngư cụ hiện đại để nâng cao hiệu quả khai thác, nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác, giảm thiểu lao động thủ công, từ đó sẽ nâng cao được hiệu quả chuyến biển”.


BÍCH LA