Thời gian gần đây, lượng dăm gỗ sản xuất ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có mức tăng trưởng khá cao so với trước. Đây là tín hiệu đáng mừng, song vẫn còn nhiều nỗi lo…
Thời gian gần đây, lượng dăm gỗ sản xuất ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có mức tăng trưởng khá cao so với trước. Đây là tín hiệu đáng mừng, song vẫn còn nhiều nỗi lo…
Xuất khẩu tăng mạnh
Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 doanh nghiệp (DN) lớn chuyên sản xuất dăm gỗ. Trong đó, thị xã Ninh Hòa và huyện Khánh Vĩnh, mỗi địa phương có 1 DN, các DN còn lại đều đóng tại TP. Cam Ranh. Đến đầu tháng 5, lượng dăm gỗ xuất khẩu của các DN đạt mốc 100.000 tấn và chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là tín hiệu đáng mừng sau thời gian ngành công nghiệp dăm gỗ có dấu hiệu chững lại. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng xuất khẩu đã tăng hơn 100%.
Ông Cam Văn Liễu - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dăm gỗ Đại Hưng (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh) nhận định: “Nguyên nhân sản lượng dăm gỗ tăng mạnh trong thời gian qua là do cơn bão số 12 năm 2017 khiến cây keo bị ngã đổ rất nhiều. Lượng gỗ tận thu cao, nguồn cung tăng nên đa phần các DN chế biến dăm gỗ trên địa bàn đều phải hoạt động hết công suất. Riêng công ty chúng tôi, từ đầu năm đến nay đã xuất được hơn 8.000 tấn, tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm trước. Vì nguồn nguyên liệu tăng đột biến nên công ty phải đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới, hiện đại để chế biến kịp nguyên liệu thu mua, đảm bảo chất lượng dăm gỗ luôn ở mức cao nhất, sản lượng và năng suất đạt mức tối đa. Doanh thu năm 2017 đạt khoảng 50 tỷ đồng, dự kiến năm nay sẽ đạt khoảng 90 tỷ đồng”.
Một trong những nguyên nhân khiến sản lượng dăm gỗ xuất khẩu tăng cao là do các nước: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cường thu mua dăm gỗ để phục vụ cho ngành giấy. Ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết: “Cuối năm trước, dăm gỗ khá ế ẩm, chất thành đống, không tiêu thụ được. Nhưng từ đầu năm đến nay, sản lượng xuất khẩu dăm gỗ tăng mạnh. Chỉ tính 4 tháng đầu năm, toàn TP. Cam Ranh có 84.000 tấn dăm gỗ được xuất khẩu, tăng 107% so với cùng kỳ năm 2017”.
Còn nhiều nỗi lo
Cơn bão số 12 năm 2017 đã làm ít nhất 7.718ha rừng trồng của các chủ rừng nhà nước bị hư hại nặng. Đồng thời, để lại hậu quả nặng nề đối với hơn 33.000ha rừng trồng (chủ yếu là rừng keo) của người dân trên địa bàn tỉnh. Các địa phương chịu nhiều thiệt hại về rừng trồng là: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Khánh Vĩnh… Sau bão, người dân các địa phương tận thu những diện tích rừng bị ngã đổ nên nguồn nguyên liệu dồi dào, các DN chuyên sản xuất dăm gỗ đã phải hoạt động hết công suất để tiêu thụ hết lượng gỗ tồn đọng. |
Nhìn vào số liệu thống kê sẽ thấy ngành dăm gỗ của tỉnh đang tăng trưởng khá tốt, song theo các DN chuyên sản xuất mặt hàng này, thời gian tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Đó là việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc; ngoài ra thị trường cung cấp dăm gỗ thế giới đang được mở rộng. Các nước chuyên thu mua bắt đầu lựa chọn châu Phi thay cho châu Á trong việc cung cấp dăm gỗ. Những yếu tố này dẫn đến giá dăm gỗ xuất khẩu giảm mặc dù sản lượng có thể tăng. Thực tế, gỗ keo hiện nay chỉ được mua với giá khoảng 1 triệu đồng/tấn, còn giá dăm gỗ khô xuất khẩu chỉ còn 118 USD/tấn (giảm gần 20 USD/tấn so với đầu năm 2017). Theo các chuyên gia, những khó khăn hiện tại của ngành chế biến dăm gỗ không đơn thuần chỉ là do những biến động cung - cầu trên thị trường mà còn do những vấn đề nội tại của ngành này, đặc biệt có liên quan đến sự phát triển nóng, ngoài quy hoạch, chạy theo thị trường và không kiểm soát về chất lượng đang diễn ra tại một số địa phương. Việc đầu tư ồ ạt và không có quy hoạch gỗ dăm sẽ ảnh hưởng đến đầu vào nguyên liệu, mà trực tiếp bị ảnh hưởng chính là người dân. Từ đó, người dân sẽ quay lưng lại với cây keo (nguyên liệu chính sản xuất dăm gỗ) và bài toán về nguồn nguyên liệu lại trở nên nan giải.
Ông Lưu Văn Chánh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh nguyên liệu giấy Cát Phú (phường Cam Phúc Bắc, TP. Cam Ranh) cho biết: “Giá nguyên liệu hiện nay thấp hơn so với năm trước. Đặc biệt, qua cơn bão số 12, diện tích rừng bị hư hại khá nhiều, các cây rừng nguyên liệu còn non bị gãy đổ sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt vùng nguyên liệu trong vài năm tới. Công ty chúng tôi trồng 3.000ha thì 1.000ha bị gãy đổ, điều này khiến cho vấn đề vùng nguyên liệu đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới”.
Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương nhận định: “Ngoài những vấn đề về thị trường thì vùng nguyên liệu chính là thách thức lớn nhất đối với các DN chế biến dăm gỗ. Hiện nay, diện tích rừng trồng không còn khả năng mở rộng, người dân nhiều địa phương chuyển đổi cây keo sang những cây trồng khác có giá trị cao hơn. Do đó, muốn phát triển bền vững thì các DN phải chủ động vùng nguyên liệu. Nếu không chủ động được vấn đề này, chắc chắn DN sẽ đứng trước nhiều nguy cơ, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất, kinh doanh trong tương lai”.
Đình Lâm