05:02, 28/02/2018

Kiểm soát chặt hoạt động nghề cá

Trước các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu liên quan đến "thẻ vàng" về chống khai thác bất hợp pháp đối với các mặt hàng hải sản của Việt Nam, mới đây, UBND tỉnh đã có kế hoạch nhằm kiểm soát kỹ tàu cá, nghề cá trên địa bàn tỉnh.

Trước các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu liên quan đến “thẻ vàng” về chống khai thác bất hợp pháp đối với các mặt hàng hải sản của Việt Nam, mới đây, UBND tỉnh đã có kế hoạch nhằm kiểm soát kỹ tàu cá, nghề cá trên địa bàn tỉnh.


Những tồn tại


Những năm qua, đội tàu khai thác thủy sản của tỉnh có sự chuyển dịch dần sang khai thác xa bờ. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động nghề cá của tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn. Tình trạng tàu cá hoạt động nghề lưới kéo khai thác sai vùng quy định; việc ghi, nộp nhật ký khai thác của ngư dân chưa thường xuyên; vẫn còn tình trạng tàu cá của ngư dân trong tỉnh bị bắt giữ tại các vùng biển chồng lấn hay việc các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu không thu mua nguyên liệu trực tiếp từ tàu cá mà thông qua nậu vựa nên các giấy tờ liên quan đến xác nhận lô hàng, doanh nghiệp không chủ động được. Trong khi đó, việc theo dõi, giám sát hành trình của tàu cá chưa được thực hiện đồng bộ… Để khắc phục được “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp thì các tồn tại này cần sớm được giải quyết.

 

Ngư dân cần tuân thủ nghiêm các quy định về chống khai thác thủy sản  bất hợp pháp.

Ngư dân cần tuân thủ nghiêm các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.


Theo chia sẻ của ngư dân Nguyễn Văn Hai (Hòn Rớ, Phước Đồng, TP. Nha Trang), đối với quy định của châu Âu về cấm đánh bắt loài cấm, cụ thể như đánh bắt cá heo thì ngư dân Khánh Hòa không vi phạm do yếu tố tâm linh, về đánh bắt sai vùng quy định thì ngư trường truyền thống của ngư dân Khánh Hòa là Hoàng Sa, Trường Sa, DK1 nên không sai vùng. “Nguy cơ lớn nhất đối với tàu cá khai thác xa bờ của tỉnh là do mải mê đuổi theo đàn cá nên có thể xâm phạm vùng biển nước ngoài hoặc khai thác ở những vùng biển chồng lấn, bị tàu nước ngoài bắt giữ, đưa về nước họ xử lý. Ngoài ra, ngư dân chúng tôi sẽ cố gắng ghi đầy đủ, chính xác nhật ký khai thác”, ông Hai nói.


Kiểm soát chặt


Đến ngày 23-4-2018, nếu không khắc phục được những thiếu sót, tồn tại theo 9 khuyến nghị của châu Âu thì sẽ bị chuyển sang “thẻ đỏ”, đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang thị trường này. Một khi bị loại khỏi thị trường châu Âu, hải sản của Việt Nam cũng có nguy cơ bị loại khỏi các thị trường lớn khác như: Mỹ, Nhật… Vì vậy, biện pháp quan trọng hiện nay là phải kiểm soát chặt nghề cá trên địa bàn tỉnh bằng cách tuyên truyền mạnh cho ngư dân hiểu được hệ lụy của việc đánh bắt bất hợp pháp. Đồng thời, yêu cầu ngư dân phải khai báo đầy đủ nhật ký đánh bắt, có số liệu chính xác và trang bị thiết bị giám sát cho tàu thuyền.


Ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho hay, để kiểm soát chặt nghề cá, chống hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ nguồn gốc thủy sản có liên quan đến hoạt động khai thác bất hợp pháp, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, áp dụng các biện pháp quản lý theo quy định của Việt Nam và quốc tế. Các nội dung được tập trung kiểm tra gồm: kiểm tra tàu cá trước khi xuất bến; khi cập bến, đưa thủy sản lên cảng; kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trong khi khai thác trên biển; kiểm tra đối với nguyên liệu thủy sản nhập khẩu.

 

Toàn tỉnh hiện có khoảng 9.790 tàu thuyền. Trong đó, hơn 3.000 tàu có công suất từ 20 đến dưới 90CV, chủ yếu khai thác vùng lộng; khoảng 1.300 tàu thuyền có công suất lớn hơn 90CV, khai thác xa bờ. Các chính sách liên quan đến phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ đã được tỉnh triển khai kịp thời nên đã khuyến khích được ngư dân vươn khơi bám biển. Nhờ đó, sản lượng khai thác thủy sản năm 2017 của ngư dân toàn tỉnh đạt 98.636 tấn, vượt 3,2% kế hoạch, tăng 6% so với năm 2016.

Để việc kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác một cách minh bạch, UBND tỉnh đã giao cho các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế 100% tàu cá trước khi xuất bến; riêng các tàu cá đã từng vi phạm hoặc tàu cá có dấu hiệu đánh bắt thủy sản ở vùng biển nước ngoài sẽ được kiểm soát chặt. Khi tàu cá về cảng, lên cá, 100% tàu phải được kiểm tra, khai báo khi cập cảng, nộp nhật ký khai thác; đối chiếu thực tế về sản lượng, ngư cụ, kích cỡ mắt lưới; có ít nhất 20% sản lượng cá ngừ, 5% sản lượng các loại thủy sản khác khi lên cảng sẽ được kiểm tra theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu. Đối với việc kiểm soát, xử lý vi phạm trên các vùng biển, bên cạnh việc giám sát qua các trang thiết bị được gắn trên các tàu cá; ngăn chặn việc đánh bắt sai vùng, sai tuyến, địa phương sẽ giám sát chặt các nhóm tàu hoạt động các nghề khai thác có nguy cơ thực hiện khai thác thủy sản trái phép như: nghề giã cào; các nghề xâm hại môi trường… Đối với nguyên liệu thủy sản nhập khẩu được chế biến, sau đó xuất khẩu đi châu Âu thì 100% tàu phải khai báo thông tin trước khi cập cảng và phải được kiểm tra thực tế. Đối với nguyên liệu nhập khẩu, được chế biến sau đó xuất khẩu đi thị trường khác ngoài châu Âu hoặc tiêu thụ thị trường nội địa, 100% tàu phải khai báo thông tin trước khi cập cảng, việc kiểm tra thực tế theo tỷ lệ từ 5 đến 10%.


“Thực tế, ngư dân Khánh Hòa chấp hành khá nghiêm các quy định của Ủy ban châu Âu nên số lượng tàu cá vi phạm không nhiều. Đáng ngại nhất là tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài thì trong năm 2017, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 1 trường hợp tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, từ đầu năm đến nay không có trường hợp nào vi phạm. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan. Ngư dân cần hết sức lưu ý việc ghi nhật ký khai thác, nhật ký chuyến biển; không đánh bắt sai vùng quy định; không khai thác loài cấm; không xâm phạm vùng biển nước ngoài”, ông Én nói.


BÍCH LA