Sau một năm triển khai Đề án Phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2016 - 2020, việc sử dụng gạch không nung trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Sau một năm triển khai Đề án Phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2016 - 2020, việc sử dụng gạch không nung trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm 2018, Sở Xây dựng tiếp tục tăng cường kiểm tra việc sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng và thúc đẩy lộ trình chấm dứt hoạt động lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh.
Tiến tới chấm dứt gạch nung ở Ninh Hòa
Từ tháng 4-2017, thị xã Ninh Hòa đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách các cơ sở được hỗ trợ tháo dỡ lò gạch thủ công (lò đứng) năm 2017 với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng. Quyết định phê duyệt hỗ trợ cho 23 cơ sở với 63 vỏ lò, mức hỗ trợ 20 triệu đồng/vỏ lò. Đến tháng 6-2017, UBND thị xã Ninh Hòa đã hỗ trợ được 12 cơ sở với tổng kinh phí 560 triệu đồng. Trong 23 cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công này có 19 cơ sở có nhu cầu đào tạo lao động sau khi chấm dứt hoạt động và đang được xem xét. Trong tháng 12-2017, UBND thị xã Ninh Hòa sẽ chi trả tiền hỗ trợ đợt 2 để tháo dỡ lò gạch thủ công cho 9 cơ sở (27 vỏ lò), với tổng kinh phí 540 triệu đồng. Ngoài ra, trong năm 2017, thị xã Ninh Hòa còn có 9 cơ sở kinh doanh xin bổ sung vào danh sách nhận tiền hỗ trợ để tháo dỡ lò thủ công.
Ông Nguyễn Vĩnh Thạnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, sau nhiều năm tích cực tuyên truyền, hiện nay, các cơ sở sản xuất gạch thủ công đã có nhận thức đúng đắn về tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động này gây ra. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp xin tiếp tục sản xuất gạch mộc để tận dụng nguồn nguyên liệu, tận dụng lán trại để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Trong năm 2018, thị xã Ninh Hòa sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát, vận động, tuyên truyền nhằm chấm dứt việc sản xuất gạch nung bằng lò vòng, lò vòng cải tiến. Kinh phí để thực hiện khoảng 220 triệu đồng. Bên cạnh đó, thị xã kiến nghị các sở, ngành tích cực triển khai phối hợp để có sự đồng bộ trong công tác chấm dứt gạch nung và phát triển gạch không nung.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh cho biết, đến nay, trên địa bàn huyện đã chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công đất sét nung. Trong năm 2018, UBND huyện không có kế hoạch, kinh phí thực hiện đề án. Nguyên nhân do cơ sở sản xuất gạch ngói Vạn Bình không đủ nhân lực và kinh phí nên không có nhu cầu chuyển đổi, đã tự chấm dứt không sản xuất nữa. Cơ sở sản xuất gạch ngói Vạn Phước hiện đang hoạt động bằng lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, theo lộ trình dự kiến chuyển đổi sang làm gạch không nung trước năm 2018. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế hướng dẫn chủ cơ sở lựa chọn dây chuyền công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung phù hợp nhưng hiện cơ sở không đủ kinh phí nên cần hỗ trợ vốn vay đầu tư. Đến nay, cơ sở vẫn chưa lựa chọn được dây chuyền công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương nên không có nhu cầu kinh phí thực hiện đề án.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã chủ động thực hiện các nội dung của đề án phát triển gạch không nung và đạt được kết quả khả quan. UBND huyện Diên Khánh đã hỗ trợ tháo dỡ lò gạch thủ công, chấm dứt hoàn toàn hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn… Đây là những tiền đề để tiến tới chấm dứt sản xuất gạch bằng đất sét nung, phổ biến sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng.
Vẫn còn khó khăn
Tại TP. Nha Trang, với nhu cầu xây dựng tăng cao hiện nay, việc sử dụng gạch không nung tại các công trình cao tầng, các công trình có vốn ngân sách ngày càng phổ biến. Tuy chưa có thống kê cụ thể, nhưng hầu hết các công trình cao tầng đều sử dụng một phần vật liệu xây không nung. Dự án Căn hộ và khách sạn Virgo (đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Nha Trang) cao 40 tầng đã được chủ đầu tư yêu cầu sử dụng gạch không nung. Hiện nay, nhà thầu thi công đang tính toán và sẽ có báo cáo cụ thể. Bên cạnh đó, một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch xây không nung đã chủ động đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cấp dây chuyền công nghệ sản xuất gạch không nung. Theo tổng hợp của Sở Xây dựng, năm 2017 có 5 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư xây dựng mới và đầu tư mở rộng sản xuất gạch không nung bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, với tổng kinh phí 24,79 tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2017, kinh phí thực hiện đề án từ nguồn vốn ngân sách giảm 1,813 tỷ đồng. Nguyên nhân là do một số tổ chức, cá nhân chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ từ nguồn khoa học công nghệ, vốn vay ưu đãi của Nhà nước; việc đào tạo, chuyển đổi nghề cho các lao động tại các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công ngưng hoạt động chưa được thực hiện… Bên cạnh đó, một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch xây không nung chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước để đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cấp dây chuyền công nghệ sản xuất gạch không nung. Một số tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm gạch xây không nung chưa được Bộ Xây dựng ban hành, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Ông Sơn cho biết, để việc thực hiện đề án đúng kế hoạch, tiến độ đề ra, trong năm 2018, Sở Xây dựng đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo Sở Tài chính bố trí đủ kinh phí theo kế hoạch cũng như đề nghị của các địa phương, đơn vị. Trong đó, đảm bảo kinh phí cho UBND thị xã Ninh Hòa thực hiện hỗ trợ tháo dỡ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho các lao động tại các lò gạch ngưng hoạt động trong năm 2018. UBND thị xã Ninh Hòa cần bảo đảm không để tình trạng tái đầu tư, xây dựng lại các lò gạch đã ngưng hoạt động và xây dựng mới tại địa phương; phối hợp với thanh tra xây dựng, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm theo pháp luật. Bên cạnh đó, cần chủ động phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội địa phương hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho các lao động đã đăng ký đào tạo nghề; xác định các nhóm nghề cần đào tạo phù hợp với nhóm đối tượng lao động có nhu cầu đào tạo nghề, phù hợp độ tuổi lao động.
NHẬT THANH