11:09, 25/09/2014

Nhiều cơ sở nhỏ đầu tư sản xuất sạch

Trong bối cảnh nhu cầu về thực phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng tăng, nhiều cơ sở, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã mạnh dạn đổi mới công nghệ sản xuất, cung cấp sản phẩm sạch ra thị trường.

Trong bối cảnh nhu cầu về thực phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng tăng, nhiều cơ sở, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã mạnh dạn đổi mới công nghệ sản xuất, cung cấp sản phẩm sạch ra thị trường.


Nhiều năm sản xuất chả giò theo phương pháp cổ truyền tại huyện Diên Khánh, khi chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty, Công ty TNHH Khanhfood đã mạnh dạn đầu tư xưởng sản xuất, máy móc với số tiền gần 600 triệu đồng. Với hệ thống thiết bị nhà xưởng mới, quy trình sản xuất chả giò tại Công ty được khép kín từ khâu nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm đầu ra. Sản phẩm chả giò sạch của Công ty cũng đã được chứng nhận và kiểm định của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh. Ông Đỗ Quang Dát - Giám đốc Công ty cho biết: “Trên địa bàn huyện Diên Khánh có hàng chục cơ sở sản xuất nem, chả giò phục vụ thị trường trong tỉnh. Các cơ sở này sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, bán trôi nổi tại các chợ, chưa đủ điều kiện an toàn thực phẩm và đăng ký nhãn hiệu. Nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng của thị trường đối với thực phẩm an toàn, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng sản xuất theo quy trình sạch nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Mục tiêu của chúng tôi là đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận, xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á”.


Với quy trình sản xuất mới, nguyên liệu đầu vào không phải thái trên thớt mà được đưa vào máy cắt nhỏ, xay trộn với gia vị, hấp bằng máy…, công suất của dây chuyền này là 10 tấn sản phẩm/tháng, tạo việc làm cho hơn 30 lao động với mức lương bình quân 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.

 

Công nhân định hình sản phẩm trong quy trình sản xuất chả giò sạch khép kín.
Công nhân định hình sản phẩm trong quy trình sản xuất chả giò sạch khép kín.


Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều đơn vị sản xuất thực phẩm cũng đang trong quá trình chuyển đổi mô hình để người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm sạch. Bà Lê Thị Duy Cần (làng bún Phú Lộc, Diên Khánh) chia sẻ: “Gia đình tôi đã nhiều đời sản xuất bún, bánh phở nhưng sản xuất theo phương thức cũ. Nay có nhiều khách hàng yêu cầu chúng tôi sản xuất sản phẩm sạch, không hóa chất trên công nghệ mới thì họ sẽ tiêu thụ sản phẩm của chúng tôi tại nước ngoài. Vì vậy, chúng tôi đang xây dựng nhà xưởng và tìm hướng đầu tư máy móc để sản phẩm bún, phở khô của Diên Khánh tiếp cận được thị trường quốc tế”.


Một số cơ sở chế biến chả cá tại Vạn Ninh cũng đang trong quá trình tiếp cận công nghệ mới, đầu tư máy móc và nhà xưởng để cho ra thị trường những sản phẩm sạch như Cơ sở sản xuất chả cá Hải Xíu, Thuận… Trong đó, cơ sở sản xuất chả cá Thuận (xã Vạn Thắng) đang làm hồ sơ để nhận nguồn hỗ trợ khuyến công của tỉnh năm 2015 cho đề án ứng dụng máy móc sản xuất chả cá sạch. Toàn bộ số tiền đầu tư cho máy móc, nhà xưởng của cơ sở  gần 1 tỷ đồng.


Máy móc, thiết bị càng hiện đại, càng tự động hóa và được chăm chút về thiết kế cũng như khả năng vận hành thì sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí trong quá trình sản xuất. Với đặc thù là địa phương có ngành dịch vụ du lịch phát triển, Khánh Hòa sẽ là thị trường tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm cho các đơn vị sản xuất thực phẩm sạch.


Theo ông Lê Ngọc - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến Công và Xúc tiến thương mại tỉnh: Đối với những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn vốn hỗ trợ khuyến công thật sự rất hữu dụng. Chúng tôi ưu tiên xét duyệt những đề án ứng dụng tiến bộ khoa học, đổi mới trang thiết bị và thực hiện theo chương trình sản xuất sạch hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng hóa. Các đơn vị sản xuất thực phẩm sạch cần thực hiện đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là yêu cầu bắt buộc, cần thực hiện nghiêm túc để sản xuất và phát triển bền vững.


Hương Quỳnh