12:09, 24/09/2014

Cần dựa vào tính hiệu quả

Đến nay, Khánh Sơn có 16 tổ liên kết sản xuất tại các xã. Đây cũng là hướng đi cần thiết để Hội Nông dân tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, địa phương đang có tình trạng thành lập ồ ạt các tổ liên kết dù tính hiệu quả chưa được tính toán kỹ…

Đến nay, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) có 16 tổ liên kết (TLK) sản xuất tại các xã. Đây cũng là hướng đi cần thiết để Hội Nông dân (HND) tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, địa phương đang có tình trạng thành lập ồ ạt các TLK dù tính hiệu quả chưa được tính toán kỹ…


Hiệu quả bước đầu


Hầu hết các TLK sản xuất tại Khánh Sơn được hình thành từ các loại cây trồng, vật nuôi đã phát huy hiệu quả kinh tế như: mía tím, sầu riêng, cà phê, chăn nuôi heo... 5 TLK được thành lập từ năm 2013 trở về trước hoạt động khá tốt, bước đầu giúp hội viên khắc phục một số khó khăn trong sản xuất như: nguồn vốn, công cụ lao động và kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi được nâng lên so với trước đây, giúp nông dân thu lãi từ 20 - 100 triệu đồng mỗi năm. Ông Bo Bo Vang, thành viên TLK trồng mía tím xã Sơn Hiệp cho biết: “Từ nguồn vốn hỗ trợ của HND, gia đình tôi có điều kiện chăm sóc 6 sào mía tím, thu nhập bình quân 110 triệu đồng một năm”. Còn theo ông Đoàn Ngọc Giang, Tổ trưởng tổ nuôi heo liên kết xã Sơn Trung, hiện nay số lượng heo trên địa bàn huyện Khánh Sơn nói chung và của tổ nói riêng không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong huyện. Với giá heo trên thị trường hiện nay, hộ nhiều nhất thu lãi trên 70 triệu đồng, hộ ít cũng được 40 - 50 triệu/năm, chưa kể tiền bán heo giống.

 

Tổ liên kết nuôi heo xã Sơn Trung đang phát huy hiệu quả khá tốt.
Tổ liên kết nuôi heo xã Sơn Trung đang phát huy hiệu quả khá tốt.


Kết quả trên đã tác động tích cực đến quá trình thực hiện một số tiêu chí nông thôn mới như: thu nhập, hình thức sản xuất, cơ cấu lao động, giảm nghèo tại các xã trên địa bàn huyện.


Không nên ồ ạt thành lập mới


Từ những thành công bước đầu, một số xã do muốn hoàn thành tiêu chí hình thức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới đúng kế hoạch đề ra nên đã thành lập các TLK với mô hình cây trồng mới được hình thành, chưa thể khẳng định có đạt hiệu quả hay không. Chỉ tính riêng 8 tháng năm 2014, toàn huyện đã có 11 TLK sản xuất được thành lập mới. Có tổ chỉ hoạt động cầm chừng, không mang lại lợi ích cho hội viên, nông dân. Một vấn đề khó khăn mà tất cả các TLK phải đối mặt và chưa có biện pháp giải quyết đó là thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định và chưa có sự liên kết với các doanh nghiệp...


Theo ông Trần Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, mục đích của việc thành lập các TLK sản xuất là giúp người dân có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững. Do đó, huyện đã chỉ đạo các xã tập trung phát triển những mô hình có sẵn, dựa trên tinh thần tự nguyện của nông dân, tránh ồ ạt thành lập mới TLK theo phong trào. “Với điều kiện như ở Khánh Sơn hiện nay thì các TLK sản xuất cần có sự hỗ trợ của các cấp, ngành, các đơn vị đỡ đầu về nguồn vốn, phương tiện, dụng cụ sản xuất. Cùng với đó, địa phương sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ người dân về kỹ thuật. Nếu các yếu tố này cùng hình thành thì các mô hình liên kết mới phát triển bền vững, lâu dài”, ông Dũng nhận định.


Vốn để mở rộng quy mô sản xuất là một vấn đề lớn đối với các TLK. Theo ông Phạm Hữu Cầu, Chủ tịch HND xã Sơn Trung, hiện nay TLK nuôi heo của xã có 19 thành viên. Nguồn vốn hỗ trợ của HND tỉnh và huyện là 150 triệu đồng, như vậy chỉ có thể cho mỗi hội viên vay từ 10 - 15 triệu đồng/năm, quá ít so với nhu cầu thực tế của người dân. Còn đặt vấn đề vay vốn ngân hàng thì các TLK đều cho rằng thủ tục quá rườm rà, phức tạp.


Ngoài ra, hiệu quả nguồn vốn cũng là một dấu hỏi lớn đối với các TLK không được tổ chức chặt chẽ. “Một số tổ được giải ngân vốn nhưng làm thế nào để các thành viên sử dụng có hiệu quả cũng là vấn đề khó khăn. Vì trình độ quản lý, tổ chức sản xuất của cán bộ cơ sở còn hạn chế nên có nguy cơ thất thoát nguồn vốn đã giải ngân”, ông Cao Phạm Cưỡng, Chủ tịch HND huyện Khánh Sơn nói.  


Để giải quyết nguồn vốn đầu tư sản xuất cho các TLK, theo ông Trần Mạnh Dũng, huyện đã đề xuất với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, huyện thay đổi cơ chế cho vay, đơn giản hóa các giấy tờ thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời sắp tới, huyện sẽ phối hợp với các tổ chức tín dụng trong tỉnh tổ chức hội nghị triển khai, hướng dẫn người dân quy trình vay vốn đối với các thành viên trong TLK sản xuất.


Đinh Luận