05:03, 01/03/2012

Buồn vì gừng rớt giá

Do có nhiều ưu điểm như: dễ quản lý, chăm sóc, di chuyển, tránh ngập lụt…, kỹ thuật trồng gừng trong bao đã nhanh chóng lan rộng và trở thành phong trào rất mạnh. 

Do có nhiều ưu điểm như: dễ quản lý, chăm sóc, di chuyển, tránh ngập lụt…, kỹ thuật trồng gừng trong bao đã nhanh chóng lan rộng và trở thành phong trào rất mạnh. Nhiều nông dân đã làm theo phương pháp này và thu được sản lượng cao. Tuy nhiên, hiện tại, họ lại đang phải đối mặt với tình trạng gừng rớt giá thê thảm. Tổ liên kết (TLK) trồng gừng xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang) đang trong tình trạng này.

Băng qua con đường đất gồ ghề, khó đi, chúng tôi đến Lỗ Lươn (xã Vĩnh Lương) - khu đất rẫy trồng nhiều loại cây trái, hoa màu. Đây cũng là địa chỉ của TLK trồng gừng. Ông Nguyễn Thành Phúc, Tổ trưởng TLK cho biết, thực hiện chỉ đạo của Hội Nông dân (HND), do thấy vùng đất này có thể phát triển mô hình trồng gừng trong bao nên các nông dân đã liên kết thành lập TLK. Hiện TLK có 5 người, được HND xã ra quyết định công nhận. Các thành viên lên Đắc Lắc - nơi có mô hình trồng gừng trong bao thành công để tham quan. Sau khi trở về, mọi người trong tổ bắt đầu triển khai công việc. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công. Chỉ có 2/5 thành viên đạt kết quả mỹ mãn, còn lại đều có sản lượng rất thấp do đầu tư chưa phù hợp.


 Ông Thành và ông Hồng buồn thiu vì gừng rớt giá.

Ông Thành và ông Hồng buồn thiu vì gừng rớt giá.

 

Ông Phan Văn Thành và Lê Văn Hồng là hai thành viên trong TLK có sản lượng khá so với những người khác. Ông Thành cho biết, trồng gừng trong bao có nhiều ưu điểm như: quản lý, chăm sóc, vận chuyển đều thuận lợi, có thể tránh được ngập lụt, nhất là những vùng trũng thấp. Công việc chăm sóc cũng hết sức đơn giản: Cách 15 - 20 ngày tiến hành làm cỏ, vun gốc, gừng càng phát triển thì củ có xu hướng đi lên nên phải đắp đất mùn liên tục. Đất trồng gừng là hỗn hợp giàu chất hữu cơ gồm đất bồi, phân chuồng, vôi, lân, có bổ sung thêm NPK sau khi gừng phát triển mạnh. Vụ trồng bắt đầu từ tháng 2 âm lịch, sau 8 - 10 tháng có thể thu hoạch khi củ gừng đã tích lũy đầy đủ chất dinh dưỡng, đạt độ cay tối đa.

Mua 100kg gừng giống từ Đắc Lắc về (giá 35.000 đồng/kg), hai ông đinh ninh sẽ kiếm được lợi nhuận khá, nhưng ngờ đâu gần đến ngày thu hoạch, giá ngày càng hạ. Tháng 11 âm lịch, giá gừng chỉ còn 7.000 đồng/kg; tháng Chạp là khoảng thời gian mà mọi năm, nhu cầu gừng tăng cao để phục vụ sản xuất mứt Tết, nhưng giá gừng còn rớt thê thảm hơn, chỉ còn 4.000 đồng/kg. Hai ông đợi hết tháng Giêng rồi tháng Hai âm lịch, giá gừng vẫn “giậm chân tại chỗ”. Cuối cùng, hai ông buộc phải nhổ vì để lâu quá, cây sẽ rụi, chất tích lũy trong gừng cũng sẽ hỏng theo. Với 2 tấn gừng tươi - một sản lượng khá mà không phải nông dân nào cũng làm được, ông Hồng nhẩm tính, theo thời giá này, họ lỗ ít nhất 7 triệu đồng tiền đầu tư, chưa tính công sức hơn 8 tháng trồng gừng theo mô hình mới.

Những ngày gần đây, hai ông thường xuyên liên lạc với những tư thương chuyên bán gừng tại chợ Đầm (Nha Trang) nhưng chỉ nhận được câu trả lời dửng dưng: 4.000 đồng/kg. Theo lý giải của hai ông, giá gừng thấp và không tăng kéo dài là do sản lượng nhiều nơi tăng mạnh, nên dù trong thời gian tiêu thụ gừng mạnh (dịp Tết) vẫn không tăng. Có lẽ do năm ngoái, giá gừng đạt “đỉnh” 35 - 40 ngàn đồng/kg đã kích thích nông dân đầu tư, dẫn đến việc trồng ồ ạt. Hơn nữa, mô hình trồng gừng trong bao cũng giúp nông dân thu được sản lượng lớn. Một vấn đề khác là hiện gừng Trung Quốc đang nhập tràn lan vào Việt Nam. Tuy loại gừng này có chất lượng kém hơn gừng nội địa nhưng do giá rẻ và năng suất cao nên vẫn “đánh bật” gừng nội.

Bài học từ việc phổ biến những tiến bộ mới là đáng hoan nghênh nhưng việc nông dân đầu tư ồ ạt dẫn đến bị ép giá, phải bán giá thấp… rất cần được chú ý. Hiện nay, khi mà sản lượng nông sản chưa ổn định, giá cả biến động khắc nghiệt theo tín hiệu thị trường thì việc đầu tư cây gì, con gì cần được tính toán cẩn thận. Ông Thành và ông Hồng cho biết vẫn tiếp tục trồng gừng để sớm tìm kiếm kỹ thuật ổn định về năng suất và nhân rộng, do vậy, “đầu ra” vẫn cần được quan tâm. Nên chăng, TLK cần mở rộng liên doanh, liên kết, tìm “đầu ra” để củ gừng không phải một lần nữa chịu cảnh “được mùa, mất giá”.

HOÀI AN