10:02, 28/02/2012

Khi nông dân đi học... làm giàu

Có dịp tham dự các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, chúng tôi mới thấy được niềm say mê học nghề của người nông dân. Ở các lớp học ấy, già có, trẻ có, nhưng tựu trung họ đều mong muốn sau khóa học sẽ có một nghề ổn định để làm ăn. 

Có dịp tham dự các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, chúng tôi mới thấy được niềm say mê học nghề của người nông dân. Ở các lớp học ấy, già có, trẻ có, nhưng tựu trung họ đều mong muốn sau khóa học sẽ có một nghề ổn định để làm ăn. Và thực tế đúng như vậy, sau những lớp học đó, người nông dân đã gặt hái được những “mùa vui”.

.  Học đi đôi với hành

Lớp học chúng tôi có dịp tham dự diễn ra tại xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), với 35 học viên nông dân. Lớp học có cả già lẫn trẻ, nhưng họ đều say sưa học nghề trồng nấm bào ngư trên rơm với mong muốn đem nghề này phát triển tại gia đình để tạo thêm thu nhập lúc nông nhàn. Ngay từ những ngày đầu đi học nghề, ai cũng có sự ham thích bởi cách học đơn giản, dễ hiểu, dễ ứng dụng. Ông Huỳnh Văn Ngọc (xã Vạn Phú, Vạn Ninh) vừa học kỹ thuật đóng bịch nấm vừa chia sẻ với chúng tôi: “Nói thật, đi học nghề ở tuổi như tôi cũng khó, nhưng vừa học vừa thực hành như ở đây thì nhanh thạo nghề lắm. Nhà nước đã có chính sách ưu đãi, mình phải ráng học. Thời buổi này chỉ làm ruộng thì không đủ sống nên cần phải học thêm nghề để tạo thêm thu nhập”. Không khí của các buổi học trở nên nhộn nhịp hơn khi những “lão nông” được thực hành ngay ngoài trời. Lớp học tuy chỉ diễn ra trong hơn 3 tháng nhưng các kỹ thuật cơ bản nhất ai cũng nắm vững để áp dụng cho công việc. Và giờ đây, ở vùng quê này, bà con nông dân đã có thêm nghề mới, hy vọng sẽ đem lại thu nhập, nâng cao đời sống cho họ.


Với quyết tâm học để làm giàu, nhiều nông dân đã và đang xây dựng cho mình một nghề vững chắc.
Với quyết tâm học để làm giàu, nhiều nông dân đã và đang xây dựng cho mình một nghề vững chắc.

 

Tương tự, lớp học tại xưởng mộc của Công ty Cổ phần Chế biến lâm sản Trầm Hương (huyện Khánh Vĩnh) trở nên đông vui hẳn khi ngày nào cũng có hơn 30 người là đồng bào dân tộc thiểu số của huyện hì hục đục đẽo, cưa, bào. Họ là những nông dân đã quen với nương rẫy, giờ đi học nghề mộc, thời gian đầu chân tay còn lóng ngóng nhưng chỉ sau 3 tháng đã có thể biết nghề. Chị Cao Thị Nâng (xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh) cho biết: “Trước đây tôi chỉ ở nhà làm rẫy và nuôi con nhỏ nên đâu nghĩ đến chuyện học nghề. Nhưng sau khi nghe cán bộ xã vận động và cho biết đây là chương trình đào tạo miễn phí, lại được hỗ trợ tiền, hoàn thành khóa nghề còn được tạo việc làm, tôi liền thu xếp đi học và chọn nghề mộc này”. Lớp học này do Trung tâm Dạy nghề huyện Khánh Vĩnh phối hợp với Công ty Cổ phần Chế biến lâm sản Trầm Hương đào tạo. Chính vì vậy, tính thiết thực của lớp học khá cao, người học tốt nghiệp có việc làm ngay tại địa phương. Thậm chí, nếu không muốn làm việc ở Công ty, họ có thể tự lập xưởng để sản xuất riêng tại nhà, vừa làm nông vừa làm thêm nghề mộc để cải thiện kinh tế gia đình. Ông Cao Văn Thi (xã Khánh Bình, Khánh Vĩnh) chia sẻ: “Nhờ Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm sau khóa học nên tôi và một số người khác mạnh dạn đăng ký học nghề. Bởi, chúng tôi học nghề không phải để bỏ đồng ruộng vào làm ở các xí nghiệp, nhà xưởng, mà là để giải quyết thời gian rảnh rỗi, góp phần tăng thu nhập”. Theo tính toán của ông Thi, chỉ cần làm nghề vào thời gian nông nhàn trong ngày cũng đã có thể cho thu nhập. Theo xu hướng đó, làm mộc sẽ dần trở thành nghề chính của ông; còn làm nương rẫy chỉ là để gia đình có mỳ, gạo để ăn.

Ông Nguyễn Lạc - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn là việc làm cần thiết ngay từ bây giờ và cả sau này. Khi người nông dân nắm được nghề trong tay thì dù có tự mở cơ sở tạo việc làm hay xin vào các cơ sở, xưởng sản xuất làm việc, họ vẫn có lợi thế hơn lao động phổ thông không có tay nghề. Phía chính quyền, nhà quản lý sẽ lo quy hoạch, thông tin, giá cả, kỹ thuật, làm mô hình cho nông dân học, có những chính sách mới phù hợp, kịp thời. Đối với nông dân thì phải nâng cao trình độ, làm đâu chắc đó. Trong một hộ phải đa dạng ngành nghề, tiết kiệm chi phí sản xuất. Điều này rất cần sự đồng thuận của nông dân để tiến tới sản xuất lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa, hạ giá thành”.

. Quyết chí làm giàu

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều nông dân quyết chí học nghề để phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Đó là những người nông dân biết nắm bắt điều kiện đầu tư, mở rộng quy mô và áp dụng khoa học kỹ thuật đã được học vào sản xuất. Ông Triệu Đức Phấn (người dân tộc Raglai, thôn Suối Lách, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh) sau khi học nghề nuôi cá nước ngọt đã về cải tạo ao cá trước nhà để thả nuôi các loại cá trắm cỏ, rô phi, chép, mè… đem lại sản lượng cao. Ông Phấn cho biết: “Trước đây, tôi vốn làm theo kiểu “xưa bày nay bắt chước”, nuôi không theo tiêu chuẩn nào nên hiệu quả kinh tế không cao. Do đó, tôi quyết định tham gia khóa đào tạo tại Trung tâm Dạy nghề huyện để đem những kiết thức khoa học áp dụng vào sản xuất. Được trang bị khá kỹ về kiến thức nuôi trồng thủy sản, nắm rõ kỹ thuật cải tạo, nạo vét ao; cách nuôi lồng ghép các loại cá, cá nào ăn thức ăn gì, ở tầng cao, thấp, giữa sao cho phù hợp… tôi đã áp dụng những kỹ thuật đó vào chăn nuôi nên đàn cá trong ao nhà tôi lớn nhanh, cho năng suất cao”. Giờ đây, mô mình vườn, ao của gia đình ông Phấn khá quy mô, với hơn 1,8ha, mỗi năm đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Với mức thu nhập đó, gia đình ông đã thoát được cảnh nghèo và trở thành hộ khá giả trong xã.

Ông Đỗ Văn Cuộc (thôn Tây Ninh 1, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh) lại chọn cho mình hướng đi khác. Thông qua khóa đào tạo tại xã do Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh mở, ông đã quyết định gắn bó với nghề nuôi ếch bò. Từ những kiến thức đã học, ông đầu tư khoảng 15 triệu đồng xây bể xi măng với diện tích gần 30m2 và mua giống về thả. Hiện nay, trang trại ếch của ông đang nuôi khoảng 3.000 con. Ông Cuộc cho biết: “Ếch bò dễ nuôi, lớn nhanh, năng suất cao, thị trường khá ưa chuộng. Nghề này yêu cầu người nuôi phải siêng năng, hàng ngày thay nước sạch thường xuyên, nếu không sẽ làm ếch bệnh, còi cọc, chậm lớn. Chăm sóc ếch theo đúng kỹ thuật thì sau 3 tháng nuôi, ếch đạt trọng lượng thương phẩm bình quân 300g (kích cỡ thị trường ưa chuộng nhất). Hiện thị trường ếch thịt đang khan hiếm do cầu cao hơn cung nên việc nuôi ếch không lo “đầu ra”. Làm ăn có triển vọng, ông Cuộc luôn quan tâm giúp đỡ bà con trong vùng về kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, phòng bệnh. Nhờ đó, đến nay, toàn xã Đại Lãnh đã có trên 20 gia đình xây bể nuôi ếch. Với đà phát triển này, không xa, xã Đại Lãnh sẽ trở thành vùng chuyên cung cấp ếch bò chất lượng. Và người nông dân sẽ giàu lên từ nghề nuôi ếch…

Có thể nói, những người nông dân mang trong mình ý chí làm giàu đã và đang gặt hái những “mùa vui”. Đồng hành cùng sự vươn lên của họ, nhà nước luôn có những cơ chế, chính sách phù hợp, đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi, giới thiệu mô hình sản xuất có hiệu quả, bồi dưỡng kiến thức khoa học… cho nông dân. Hy vọng, với sự quan tâm của Nhà nước, Hội Nông dân, người nông dân sẽ lựa chọn được hướng đi phù hợp, vươn lên làm giàu một cách chính đáng…

VĂN GIANG