02:03, 10/03/2008

Nông dân có thể được bảo hiểm theo nhiệt độ thời tiết

Đây là loại hình bảo hiểm mới đã được thực hiện tại một số nước trên thế giới nhưng lại hoàn toàn mới ở nước ta...

Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính và Ngân hàng châu Á ADB đang nghiên cứu đề án phát triển loại hình bảo hiểm nông nghiệp theo chỉ số ở Việt Nam và dự kiến sẽ được triển khai thí điểm vào cuối năm nay.

Đây là loại hình bảo hiểm mới đã được thực hiện tại một số nước trên thế giới nhưng lại hoàn toàn mới ở nước ta. Những thông tin ban đầu cho thấy, chi phí tham gia loại hình bảo hiểm này thấp và có thể thu hút được nhiều nông dân tham gia.

Có thể hiểu bảo hiểm theo chỉ số là việc bảo hiểm dựa vào chỉ số về một số yếu tố khách quan có thể gây rủi ro đến sản lượng và năng suất cây trồng vật nuôi, như lượng mưa, lũ lụt, hạn hán. Chỉ số về lượng mưa, hạn hán hay nhiệt độ được tính toán dựa vào các số liệu thu thập từ nhiều năm trước của các cơ quan chức năng của Nhà nước. Điểm đáng nói là chỉ số này liên quan rất chặt chẽ đến năng suất và sản lượng cây trồng. Ví dụ nhiệt độ ổn định trong nhiều năm tại các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta là 20 độ C. Mức nhiệt độ ổn định này có thể coi là một chỉ số về nhiệt độ. Và đây là chỉ số để các công ty bảo hiểm ký hợp đồng bảo hiểm với nông dân.

Trong đợt rét đậm rét hại vừa qua, chỉ số về nhiệt độ là 12 độ C, tức là thấp hơn 8 độ C so với chỉ số “chuẩn”, khiến hàng nghìn trâu bò chết nên hộ nông dân sẽ được đền bù ví dụ là 5 triệu đồng, nhưng nếu nhiệt độ giảm nhiều hơn, khiến trâu bò chết nhiều hơn thì mỗi nông dân được đền bù nhiều hơn, ví dụ là 7 triệu đồng tiền bảo hiểm. Nghĩa là các công ty bảo hiểm nông nghiệp sẽ căn cứ vào chỉ số nhiệt độ này từng mức để đưa ra mức bồi thường thiệt hại tương ứng cho hộ nông dân.

Như vậy, điểm khác biệt giữa loại hình bảo hiểm theo chỉ số với loại hình bảo hiểm truyền thống là công ty bảo hiểm sẽ không dựa vào thiệt hại thực tế của từng hộ nông dân để chi trả tiền bảo hiểm, mà dựa vào sự thay đổi của yếu tố khách quan. Đương nhiên mức chi trả bảo hiểm còn dựa vào cả mức phí ban đầu mà người nông dân mua là bao nhiêu.

Một điểm đáng lưu ý nữa về loại hình bảo hiểm này là hai hộ nông dân mua cùng mức phí, thì dù thiệt hại khác nhau vẫn chỉ được chi trả như nhau. Đối với người nông dân thì lợi ích là chi phí mua bảo hiểm thấp, không mất thời gian xác nhận thiệt hại và được bồi thường ngay lập tức, thủ tục không phức tạp. Một ưu điểm nữa của phương pháp này là giảm được rủi do về đạo đức so với loại hình bảo hiểm hiện nay, cụ thể là tránh được gian lận trong việc xác định mức thiệt hại thực tế do thiên tai bão lũ.

Thế nhưng loại hình bảo hiểm chỉ số này vẫn đang dừng ở việc nghiên cứu, và do đó đại diện các công ty bảo hiểm cho rằng cần áp dụng thí điểm để từ đó doanh nghiệp bảo hiểm có cơ sở để quyết định tham gia hay không. Điểm được nhắc đến đầu tiên là cơ chế pháp luật.

Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Ban Tái bảo hiểm của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh, kiến nghị: Có rất nhiều vấn đề mà chúng tôi sẽ phải trình lên các cơ quan chức năng xem xét về mặt cơ chế, chính sách. Những vấn đề chúng tôi quan tâm sẽ được chúng tôi tổng hợp để trình một lần lên các cơ quan liên quan, cũng như là cùng với Ban Dự án “Phát triển bảo hiểm nông nghiệp theo chỉ số ở Việt Nam” để tháo gỡ từng bước, tạo thuận lợi phát triển sản phẩm này trong thị trường Việt Nam.

Về điều này, ông Phùng Ngọc Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm của Bộ Tài chính, cho biết: Tất cả những vấn đề có liên quan đến pháp lý và quản lý sản phẩm bảo hiểm này thì Vụ Bảo hiểm sẽ cùng với các chuyên gia trong nước và quốc tế về bảo hiểm trình các cơ quan hữu quan để sớm xem xét và cụ thể hóa.

Một số công ty bảo hiểm cũng lo ngại thiệt hại thực tế và thiệt hại theo ước tính từ sự thay đổi chỉ số là khác nhau, dẫn đến việc chi trả bảo hiểm thiếu chính xác. Ông Hoàng Xuân Điều, Phó trưởng phòng Bảo hiểm Nông nghiệp thuộc Tập đoàn tài chính bảo hiểm Bảo Việt, phân tích: Sự khác nhau giữa tổn thất thực tế với tổn thất theo chỉ số sẽ là một khó khăn trong quá trình thực hiện loại hình bảo hiểm này. Bởi vì có khi không có tổn thất cũng được bồi thường, hoặc có tổn thất nhưng không được bồi thường vì phải căn cứ theo chỉ số chúng ta đã xác định. Vấn đề này cần có giải pháp làm sao thu hẹp sự khác nhau này.

Thông thường các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tái bảo hiểm sau khi đã thực hiện bán các sản phẩm bảo hiểm. Song với loại hình bảo hiểm này thì các công ty bảo hiểm lo ngại các nhà bảo hiểm quốc tế không nhận tái bảo hiểm, với lý do có nhiều rủi ro và ít cơ sở để họ có thể kiểm soát. Vì vậy mà các công ty bảo hiểm cần sự hỗ trợ của Nhà nước, có thể là giảm thuế, để triển khai.

Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho biết, nếu có tính ứng dụng thực tiễn, ngân hàng sẵn sàng cho nông dân vay vốn để trả phí mua bảo hiểm. Cũng theo Ngân hàng này, hiện mới chỉ có một dự án kết hợp giữa Bộ Tài chính, ADB, Công ty Bảo hiểm Bảo Minh và một số chuyên gia nghiên cứu vấn đề này từ thực tế mực nước lũ ở Tân Châu tỉnh Tây Ninh là đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp, lên xuống ảnh hưởng như thế nào đến năng suất lúa ở tỉnh Đồng Tháp. Do vậy cần mở rộng nghiên cứu nhiều yếu tố khách quan khác như nhiệt độ, bão, lượng mưa… và nghiên cứu trên diện rộng. Như vậy mới tăng tính thuyết phục để các công ty kinh doanh bảo hiểm làm cơ sở đánh giá và tham gia. Hơn nữa, việc xác định chỉ số này cũng không phải là một công việc đơn giản, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng chuyên ngành, các chuyên gia am hiểu và theo dõi nhiều năm về thiên nhiên.

Theo VOV