03:03, 15/03/2008

Cần đánh giá khách quan

Những nhà khoa học dù đang đi theo khuynh hướng nào cũng đều hiểu sâu sắc, đánh giá như nhau về giá trị Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong...

Đánh bắt thủy sản gần bờ (nghề mưu sinh kém hiệu quả) sẽ nhường chỗ cho những dự án mang lại nguồn lợi xã hội lớn hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Thiết Hùng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Biển tỉnh Khánh Hòa.

Kỳ II: Cần phân tích và đánh giá khách quan

Nhiều ý kiến cho rằng: Dự án Nhà máy (NM) thép liên hợp đi vào hoạt động sẽ làm chậm tốc độ phát triển của KKT Vân Phong. Theo tôi, giá trị của cảng nước sâu ai cũng hiểu. Những nhà khoa học dù đang đi theo khuynh hướng nào cũng đều hiểu sâu sắc, đánh giá như nhau về giá trị Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong. Riêng những người ủng hộ chủ trương của Chính phủ cho phép Tập đoàn Posco đầu tư vào KKT Vân Phong đều biết rằng phát triển NM thép sẽ có thời hạn, còn xây dựng cảng trung chuyển là vĩnh cửu. Tuy nhiên, việc phát huy tối đa tiềm năng của cảng có nhanh cũng phải mất 50 năm (như cảng Singapore hơn 50 năm mới phát triển toàn diện, cảng Rosterdam - Hà Lan phải mất đến gần 300 năm…). Đó là chưa nói đến việc cạnh tranh, giành thị phần, giành quyền trung chuyển như thế nào để hàng tập kết về KKT Vân Phong. Trong khi đó, công suất giai đoạn khởi động của cảng trung chuyển Vân Phong vẫn phải dè chừng 5 cảng container (tuy không phải là cảng trung chuyển) có công suất 6.000 TEU/cảng đang xây dựng tại Bà Rịa - Vũng Tàu… Đối với NM thép đã có phương án sản xuất kinh doanh rõ ràng, trong giai đoạn I, mỗi năm, NM sẽ nộp ngân sách 4.000 tỷ đồng. Vả lại, dự án nằm trong khu vực tiềm năng của cảng. Hết thời hạn hoạt động của NM thép (theo đề nghị của Tập đoàn Posco là hoạt động 50 năm), cảng trung chuyển mới phát triển hoàn chỉnh (nếu nhanh). Lúc đó, khu vực này có thể sẽ trở lại với cảng trung chuyển quốc tế.

Một số nhà khoa học cho rằng: NM thép sẽ phá vỡ quy hoạch khu trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính và hiệu suất nộp thuế của NM thép trên mỗi mét vuông không bằng nguồn thu từ thương mại, dịch vụ tài chính. Theo tôi, Trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính Vân Phong sẽ phát triển theo sự phát triển của cảng trung chuyển. Hiện nay, chưa ai khẳng định được trung tâm này sẽ hình thành như thế nào, hoạt động ra sao; và càng chưa có số liệu cụ thể để so sánh rằng hiệu suất nộp thuế của nó trên mỗi mét vuông là lớn hơn của NM thép liên hợp. Mặt khác, liệu có nhất thiết phải đặt trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính gần cầu cảng? TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng… có rất nhiều cảng biển, nhưng đâu có chuyện đòi hỏi trung tâm tài chính ở những thành phố cảng này sẽ đặt ngay trong khu vực cảng. Ngoài ra, những người phản đối sản xuất thép tại KKT Vân Phong viện cớ: Trong quy hoạch phát triển KKT Vân Phong, khu vực Sơn Đừng có định hướng xây dựng cảng tàu khách lớn nhất thế giới với công suất 1,1 triệu khách/năm. Tuy nhiên, mục tiêu của Chính phủ là lâu dài chứ không thể một vài năm. Đối với TP. Nha Trang - địa danh du lịch của một trong những vịnh đẹp nhất thế giới nhưng lượng khách quốc tế du lịch đến Nha Trang bằng tàu biển hàng năm chưa quá 20.000 người. Cảng tàu khách quốc tế cũng cần thiết, nhưng có thể lựa chọn ở một vị trí khác thích hợp.

… Hàn Quốc là nền kinh tế đứng thứ 8 thế giới. Các mặt quản lý xã hội rất đồng bộ với sự phát triển. Tiêu chuẩn môi trường của Hàn Quốc khắt khe hơn so với Việt Nam; trong đó, tiêu chuẩn mà Tập đoàn Posco đặt ra cao hơn tiêu chuẩn quốc gia nước này. Đây là mục tiêu để đảm bảo môi trường trong lành cho dân cư khu đô thị bên cạnh NM (NM thép Pohang của Tập đoàn Posco chỉ cách khu đô thị khoảng 400m). Điều này cho thấy sự quan tâm của Chính phủ Hàn Quốc khi phát triển công nghiệp nặng thân thiện với môi trường.

Một số người nghĩ rằng: Đưa NM sản xuất thép vào KKT Vân Phong là phá vỡ quy hoạch. Tôi nghĩ, quy hoạch là cần thiết. Vân Phong có quy hoạch lần thứ hai với nội dung là KKT tổng hợp đa ngành; trong đó, cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo… Nói cảng trung chuyển giữ vai trò chủ đạo có nghĩa là quan trọng nhất chứ không phải duy nhất. Vì vậy có thể đồng ý cho một số ngành công nghiệp cần cảng nước sâu để phát huy hiệu quả đầu tư vào KKT Vân Phong trong một giai đoạn (khi cảng trung chuyển chưa phát triển). Cũng có những ý kiến cho rằng: muốn phát triển nền kinh tế dịch vụ và tri thức tại KKT Vân Phong chỉ có xây dựng cảng mới thực hiện thành công… Thật ra, hoạt động của cảng cũng như mọi hoạt động khác đều chịu ảnh hưởng của tri thức trong cái gọi là kinh tế tri thức. Không phải chỉ phát triển cảng mới xây dựng kinh tế tri thức thành công, mà mọi tiến bộ của cảng đều từ kết quả của nghiên cứu khoa học và công nghệ (tức là của tri thức).

… Thiết nghĩ, việc “sống chung” của cảng trung chuyển và NM thép liên hợp là sự linh hoạt nhằm sử dụng có hiệu quả vùng nước sâu và cũng phù hợp với định hướng quy hoạch của KKT Vân Phong. Những người ủng hộ chủ trương của Chính phủ cho phép xây dựng NM thép liên hợp ở Vân Phong không hề xem nhẹ vai trò vị trí của cảng trung chuyển quốc tế. Thật ra, dự án NM thép liên hợp chỉ song hành với cảng trung chuyển trong một thời gian khi cảng chưa phát triển đến. “Khu đất vàng” Vân Phong đang cần những ngành sản xuất sử dụng hiệu quả cảng nước sâu. Ở đó, một số dự án đầu tư có thời hạn, song cũng có những dự án là vĩnh cửu như cảng trung chuyển quốc tế. NM thép liên hợp Posco - VinaShin cùng song hành một thời gian với cảng trung chuyển nhưng không có ảnh hưởng gì đáng kể đến sự phát triển chung của cảng; đồng thời không hề sai với mục tiêu quy hoạch KKT Vân Phong theo quyết định của Chính phủ.

N.T.H