03:03, 19/03/2008

Lực hút của thị trường tiềm năng

20 ngân hàng thương mại cổ phần đồng loạt đổ bộ đến Khánh Hòa là “hiện tượng” đáng chú ý nhưng không nằm ngoài quy luật. Năm 2007 đánh dấu mức tăng trưởng mạnh mẽ...

Ngày càng có nhiều ngân hàng “đổ bộ” đến Khánh Hòa.

20 ngân hàng (NH) thương mại cổ phần (TMCP) đồng loạt đổ bộ đến Khánh Hòa là “hiện tượng” đáng chú ý nhưng không nằm ngoài quy luật. Năm 2007 đánh dấu mức tăng trưởng mạnh mẽ và cao nhất trong vòng 30 năm qua của hệ thống NH hoạt động trên địa bàn, tất cả các chi nhánh đều kinh doanh có lãi, tình hình tài chính lành mạnh. Tất nhiên, năm 2008 các NH tiếp tục đẩy mạnh phát triển dịch vụ tiện ích với công nghệ, chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, sự cạnh tranh cũng khốc liệt hơn và  báo động những nguy cơ tiềm ẩn…

Khai phá thị trường

Năm 2002, NH TMCP đầu tiên đặt chân đến Nha Trang - Khánh Hòa là NH Sài Gòn Thương tín; thời điểm ấy sự xuất hiện của Sacombank chỉ là tổ tín dụng gồm 5 nhân viên trực thuộc Chi nhánh Sacombank quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Chị Lương Thị Cẩm Tú (29 tuổi), một trong những người tiên phong khai phá thị trường, hiện là Giám đốc (GĐ) Chi nhánh Sacombank Khánh Hòa, nhớ lại: “Nha Trang - Khánh Hòa là thị trường đầy tiềm năng. Với chiến lược phát triển đa năng, Sacombank tập trung nhắm đến đối tượng khách hàng vay nhỏ lẻ. Bấy giờ, thị phần này hầu như bỏ ngỏ, nhân viên Sacombank không chỉ làm nhiệm vụ giao dịch tín dụng mà còn hướng dẫn người dân trên địa bàn tiếp cận những thông tin cơ bản về ngân hàng cổ phần thương mại.”

Khai phá thị trường, đồng thời khai thông nhận thức của khách hàng; Sacombank liên tục gặt hái thành công. Chỉ trong vòng 1 năm, tổ tín dụng đã phát triển thành Chi nhánh đủ mạnh để điều khiển hoạt động một số đơn vị trực thuộc ở Phú Yên. Năm 2003, Sacombank quyết định mua đất, đầu tư xây dựng trụ sở Chi nhánh tại Nha Trang để chứng tỏ cam kết làm ăn lâu dài. Lần lượt vượt qua một số chi nhánh NHTM Nhà nước trong lĩnh vực bán lẻ và huy động vốn tín dụng dân cư, tính đến 31-12-2007, Chi nhánh Sacombank Khánh Hòa đã chiếm lĩnh 6% thị phần bán lẻ, với tổng dư nợ cho vay hơn 600 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ nợ xấu chưa bao giờ vượt quá 0,05. Mặt khác, Chi nhánh Sacombank Khánh Hòa cũng đã huy động được nguồn vốn hơn 1.200 tỷ đồng, chiếm gần 12% thị phần. Bên cạnh đó, dịch vụ ngân quỹ, chuyển tiền luôn luôn dẫn đầu khối NHCPTM trên địa bàn. Chị Tú cho biết: “4 phòng giao dịch và gần 100 nhân viên của Chi nhánh Sacombank Khánh Hòa đã và đang cắm chốt ở tuyến huyện và một số chợ đầu mối tại Nha Trang; năm 2008, Chi nhánh sẽ phát triển thêm 2 phòng giao dịch và tăng số điểm đặt máy ATM từ 4 lên 10.”

Thành công ngoạn mục của Sacombank tại Khánh Hòa đã tạo ra tiền đề tốt đẹp. Từ năm 2006 đến nay, 20 NHCPTM lần lượt mở 85 điểm giao dịch tại Khánh Hòa, theo kế hoạch quý 1-2008 sẽ có thêm 3 chi nhánh NHCPTM khai trương. Và, điều quan trọng là, tuy chiến lược phát triển và phương thức kinh doanh khác nhau, nhưng đến thời điểm này, tất cả các chi nhánh NHCPTM đều đạt được mục tiêu gia tăng lợi nhuận.

Mừng gần, lo xa…

Khánh Hòa là một trong những “địa chỉ đỏ” được các NHTM “để ý”. Bởi lẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại khu vực này luôn dẫn đầu các tỉnh Nam Trung bộ - Tây Nguyên; tỉnh Khánh Hòa đang nỗ lực xây dựng, phát triển Nha Trang thành đô thị loại 1 trước năm 2010; hơn nữa phát triển hệ thống bán lẻ cũng là tiêu chí để khẳng định nội lực của các NHCPTM.

Ông Đoàn Vĩnh Tường - GĐ Chi nhánh NHNN Khánh Hòa, cho biết: “Cuối năm 2007, tổng vốn huy động trên địa bàn đạt hơn 10.200 tỷ đồng, tăng 52,4% so với đầu năm. Riêng vốn huy động của các NHCPTM chiếm 33,23% thị phần, tăng gấp 2 lần so với đầu năm. Đặc biệt, nguồn vốn huy động từ dân cư rất ổn định và tăng đến hơn 47%. Kênh dẫn vốn thông qua đầu tư tín dụng luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế trong khu vực; tổng dư nợ cho vay tại các NHCPTM chiếm tỷ trọng 25,44%, tăng trưởng 136% so với đầu năm 2007. Điều đáng lưu ý là tỷ trọng dư nợ trong các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh chiếm 92,6%; riêng đầu tư cho công nghịêp, du lịch, thủy sản khoảng 25%”.

Ông Phạm Đức Nhân - GĐ Chi nhánh Ngân hàng ACB Khánh Hòa, khẳng định: “Vấn đề nâng cao chất lượng tín dụng luôn được các NHTMCP đặt lên hàng đầu với nhiều biện pháp như: tiếp thị khách hàng có năng lực tài chính tốt, lập hồ sơ đánh giá xếp loại khách hàng, đa dạng danh mục đầu tư nhằm phân tán rủi ro, tăng cường chất lượng thẩm định... Cạnh tranh lành mạnh giữa các NH luôn đem đến lợi ích cho khách hàng. ”

Các chi nhánh NHCPTM đã và đang tranh thủ thời cơ, tích cực phát huy lợi thế của mình để chiếm lĩnh thị phần. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt ấy, vấn đề nan giải chưa phải là hiệu quả kinh doanh; phần lớn những khó khăn, thách thức phụ thuộc nhiều ở nguồn nhân lực. Nghiệp vụ NH không chỉ đòi hỏi trình độ chuyên môn mà rất cần kinh nghiệm thực tế cũng như sự hiểu biết về tình hình KT-XH địa phương và tập tính làm ăn của người dân trên địa bàn. Ông Đoàn Vĩnh Tường thừa nhận, có một số NHCPTM chỉ chú ý đến thủ tục hành chính để khai trương chi nhánh mà không chú trọng chuẩn bị nhân lực. Thực tế đã xảy ra hiện tượng tranh giành, thậm chí tìm cách “chèo kéo” cán bộ giữa các chi nhánh NHTMCP và hiện tượng chảy máu chất xám từ NHTM nhà nước sang khối CP đang gia tăng. Tính ổn định của nội nghiệp giảm sút sẽ dẫn đến những hệ lụy tất yếu đối với thị trường tiền tệ vốn dĩ vô cùng nhạy cảm.

BẢO CHÂN