Bộ Công thương vừa phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xe máy đến năm 2015, Việt Nam sẽ trở thành một Trung tâm thiết kế, sản xuất và lắp ráp xe máy quy mô lớn...
Lắp ráp xe máy. Ảnh minh họa |
Bộ Công thương vừa phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xe máy đến năm 2015, Việt Nam sẽ trở thành một Trung tâm thiết kế, sản xuất và lắp ráp xe máy quy mô lớn, hội nhập đầy đủ vào thị trường khu vực và quốc tế.
Mục tiêu phát triển của ngành công nghiệp xe máy đến năm 2015 là đáp ứng 100% nhu cầu xe thông dụng ở khu vực nông thôn, 90% xe máy ở khu vực thành thị; đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 60% đối với xe tay ga và trên 90% đối với xe số thông dụng.
Sản xuất được các loại xe máy phân khối trên 125 cm3, xe tay ga cao cấp, xe thể thao, xe máy 3-4 bánh cho người tàn tật, xe địa hình phục vụ du lịch, xe vận chuyển nông sản…
Ngoài ra, ngành còn phấn đấu xuất khẩu xe gắn máy và phụ tùng xe gắn máy đạt khoảng 400 triệu USD.
Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ xe máy, ngành cũng phấn đấu tham gia vào hệ thống sản xuất và cung cấp linh phụ kiện xe máy của các tập đoàn xe máy quốc tế.
Để đạt mục tiêu trên, theo Bộ Công thương, các doanh nghiệp sản xuất cần đẩy mạnh hợp tác, phân công sản xuất trong ngành để tận dụng các công nghệ và thiết bị đã đầu tư, giảm chi phí đầu tư mới và tránh đầu tư trùng lặp.
Các dự án đầu tư mới phải có công nghệ tiên tiến, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và đạt tiêu chuẩn khí thải, bảo đảm chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hợp tác với các Hiệp hội quốc tế và các tập đoàn sản xuất xe máy đa quốc gia để xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp linh kiện, phụ tùng.
Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ngành sẽ tăng cường thu hút đầu tư vào 5 ngành là gia công áp lực, đúc, hàn, nhiệt luyện và sản xuất khuôn mẫu.
Theo Tiền Phong