Được thành lập năm 1993, với chức năng nhiệm vụ là cầu nối giữa nhà khoa học và người nông dân, Trung tâm Khuyến ngư Khánh Hòa đã chuyển giao và ứng dụng nhiều tiến bộ...
Nuôi tôm hùm lồng, một thế mạnh giúp người dân thoát khỏi đói nghèo. |
Được thành lập năm 1993, với chức năng nhiệm vụ là cầu nối giữa nhà khoa học và người nông dân, Trung tâm Khuyến ngư Khánh Hòa đã chuyển giao và ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đạt hiệu quả cao đến người sản xuất thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với sự phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản (CBTS), Trung tâm đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo (XĐGN), chuyển đổi cơ cấu ngành nghề cho phần đông lao động ven biển, đồng bằng, miền núi và hải đảo.
Với 655km bờ biển và đường bờ ven đảo, 2.658km2 đầm, vịnh, đất ngập mặn, Khánh Hòa là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế thủy sản (KTTS). Phát huy thế mạnh được thiên nhiên ưu đãi, giá trị sản xuất của ngành KTTS liên tục năm sau cao hơn năm trước. Năm 2004, tổng sản lượng khai thác đạt 82.671 tấn, trong đó đánh bắt thủy sản 71.300 tấn, nuôi trồng 11.371 tấn. Đặc biệt, năm 2004, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) thủy sản toàn tỉnh đạt 170 triệu USD, tăng 17 triệu USD so với năm 2003. Theo đánh giá của Bộ Thủy sản, Khánh Hòa là đơn vị đứng thứ 5 so với các tỉnh có xuất khẩu thủy sản trong cả nước. Cùng với việc khai thác, nuôi trồng, sản phẩm CBTS xuất khẩu hàng năm đạt hàng trăm triệu USD, chiếm trên 60% tổng KNXK địa phương. Những năm qua, ngành KTTS đã đóng góp một phần không nhỏ trong thành tựu chung của nền kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trên thực tế, sản lượng khai thác thủy hải sản hàng năm đang có xu hướng giảm dần do nguồn lợi gần bờ ngày càng cạn kiệt, việc chuyển đổi ngành nghề từ khai thác sang nuôi trồng đang ngày một gia tăng. Ngoài đối tượng nuôi truyền thống, các loài mới được Trung tâm Khuyến ngư đưa vào nuôi trồng như sò huyết, vẹm xanh, hải sâm, ngao, ốc hương… đã phát huy được hiệu quả rõ nét và đang được nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh. Điển hình như loài vẹm xanh, sau một năm nuôi thử nghiệm tại xã Ninh Ích (Ninh Hòa), giống vẹm phát triển và sinh sản tốt, góp phần tái tạo nguồn lợi ven bờ tại khu vực đầm Nha Phu. Theo báo cáo của UBND xã Ninh Ích, hiện có 340 hộ nuôi, sản lượng đạt 2.500 tấn/năm với thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/hộ, cá biệt có hộ thu nhập đạt 150 triệu đồng. Hiện nay, mô hình nuôi vẹm xanh đã được nhân rộng sang nhiều địa phương như Vạn Ninh, Cam Ranh và TP. Nha Trang.
Khánh Hòa có 38 nhà máy CBTS đông lạnh xuất khẩu với công suất cấp đông trên 350 tấn/ngày. Đây là lợi thế không nhỏ để ngư dân phát triển nghề nuôi tôm sú khi đầu ra của sản phẩm luôn được đảm bảo. Không thể phủ nhận, mấy năm trước đây nghề nuôi tôm sú phát triển rầm rộ trên địa bàn toàn tỉnh. Hầu hết diện tích các ao, đìa, vịnh, đầm, phá đều được san ủi để mở rộng diện tích nuôi tôm. Chi phí đầu vào thấp, lợi nhuận cao, hàng ngàn hộ dân đã giàu lên nhanh chóng nhờ nuôi tôm sú. Tuy nhiên, do nuôi trồng không theo quy hoạch đã gây nhiều hậu quả xấu đối với tài nguyên ven biển và trong lòng biển. Bên cạnh đó, do tốc độ đô thị hóa nhanh, ở vùng ven biển các khu công nghiệp, du lịch đã đổ xuống các cửa sông, biển một lượng nước thải lớn không qua xử lý. Hậu quả là hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển bị suy thoái nghiêm trọng, dịch bệnh phát triển, làm cho người nuôi tôm phải lao đao khi tôm chết hàng loạt. Trước tình hình đó, Trung tâm Khuyến ngư đã phổ biến và ứng dụng các mô hình nuôi tôm theo phương pháp kỹ thuật mới như: Nuôi tôm sú giảm độ mặn; nuôi tôm ít sử dụng thuốc kháng sinh và sử dụng chế phẩm sinh học; mô hình nuôi tôm thâm canh, sinh thái… Thông qua các lớp tập huấn, trình độ của người sản xuất không ngừng được nâng cao, nhiều hộ nuôi đạt từ 8 - 10 tấn/ha. Mặt khác, Trung tâm phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và ngư dân khôi phục, tái tạo các khu vực rừng ngập mặn, bãi san hô nhằm bảo vệ hệ sinh thái biển. Nhờ phát triển nuôi trồng các loài thủy hải sản có giá trị, đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân trong tỉnh đang từng ngày, từng giờ thay da đổi thịt.
Hiện nay, nghề nuôi tôm hùm lồng tại Khánh Hòa đang phát triển khá mạnh. Toàn tỉnh hiện có trên 12.000 lồng tôm hùm với sản lượng hàng năm đạt trên 1.600 tấn. Để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất khi bệnh dịch có thể xảy ra, Trung tâm đã chủ động phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (NTTS) lll, Viện Hải dương học, trường Đại học Thủy sản thực nghiệm thành công các mô hình nuôi lồng ghép giữa tôm hùm lồng và các loài khác để bảo vệ môi trường. Ngoài ra, thông qua các buổi tập huấn, hội thảo, tài liệu và thông qua báo chí, phát thanh truyền hình… Trung tâm đã có nhiều thông tin cần thiết cho người NTTS, nguồn thông tin này được cập nhật thường xuyên. Trong 5 năm, Trung tâm đã tổ chức 368 lớp tập huấn, hội thảo cho trên 17.660 lượt người tham dự; 89 điểm mô hình trình diễn với sự tham gia trực tiếp là người nuôi trồng. Chính vì được trực tiếp sản xuất, mắt thấy, tai nghe nên các mô hình được nhân rộng một cách nhanh chóng. Đặc biệt, mô hình nuôi cá nước ngọt trong thời gian qua đã phát triển tương đối ổn định với mô hình VAC ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.
Song song với công tác khuyến ngư, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) cũng được cán bộ Trung tâm nhiệt tình hưởng ứng. Cùng với thành công của đề tài NCKH về nuôi tôm sú nước nhạt, tôm he chân trắng, Trung tâm đã tiếp nhận công nghệ sản xuất giống và nuôi ốc hương, công nghệ sản xuất tôm sú giống chất lượng cao theo chương trình của Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia và hợp phần SUMA. Đây là tiền đề để thúc đẩy ngành NTTS của ngư dân ven biển phát triển bền vững.
Thực hiện chiến lược vươn ra khơi của ngành, Trung tâm đã phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn cho ngư dân các vùng ven biển kỹ thuật khai thác khơi, đặc biệt là khai thác các loài hải sản có giá trị như cá ngừ đại dương. Đồng thời, thông tin kịp thời kết quả các đề tài nghiên cứu về dự báo ngư trường, thông qua đó ngư dân áp dụng vào thực tiễn trong việc tìm kiếm và xác định vùng biển khai thác có hiệu quả. Ngoài ra, Trung tâm còn mở các lớp hướng dẫn sử dụng máy móc thiết bị hàng hải, phòng chống lụt bão, an toàn lao động trên biển...
AN KHÁNH