11:02, 17/02/2022

Bảo tàng Hải dương học: Số hóa bộ tem sinh vật biển

Nhằm giới thiệu rộng rãi bộ tem sinh vật biển ra công chúng và đáp ứng việc bảo quản, tra cứu tư liệu, Bảo tàng Hải dương học đang nỗ lực số hóa bộ tem, phấn đấu hoàn thành vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Viện Hải dương học (14-9-1922 - 14-9-2022).

Nhằm giới thiệu rộng rãi bộ tem sinh vật biển ra công chúng và đáp ứng việc bảo quản, tra cứu tư liệu, Bảo tàng Hải dương học đang nỗ lực số hóa bộ tem, phấn đấu hoàn thành vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Viện Hải dương học (14-9-1922 - 14-9-2022).


Bộ sưu tập tem đồ sộ, độc đáo


Bảo tàng Hải dương học đang sở hữu bộ sưu tập hơn 16.000 con tem với các chủ đề về sinh vật biển, đa dang sinh học, văn hóa biển… Đây là một phần trong bộ sưu tập tem của Giáo sư, Tiến sĩ Yasuwo Fukuyo - nguyên giáo sư Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản), nhà sưu tập tem nổi tiếng với hơn 30.000 con tem. Năm 2015, Giáo sư Yasuwo Fukuyo đã tặng cho Bảo tàng Hải dương học một phần bộ sưu tập tem của mình với mong muốn được chia sẻ niềm đam mê sưu tập và tình yêu thiên nhiên, biển cả, văn hóa các nước đến người yêu thích tem khi đến tham quan bảo tàng. Đây là bộ sưu tập đặc biệt, góp phần làm đa dạng thêm tư liệu, hình ảnh về biển nói chung cũng như sinh vật biển nói riêng tại bảo tàng.

 

Tiến sĩ Trương Sĩ Hải Trình đang nghiên cứu thông tin bộ tem.

Tiến sĩ Trương Sĩ Hải Trình đang nghiên cứu thông tin bộ tem.


Theo Tiến sĩ Trương Sĩ Hải Trình - Trưởng phòng Truyền thông và Giáo dục môi trường, Viện Hải dương học, ngoài giá trị về mặt số lượng, bộ sưu tập còn nhiều con tem đặc biệt như tem về sinh vật biển Việt Nam, tem được ghép từ hình ảnh của hàng nghìn loài cá… Đây thực sự là bộ tem độc đáo, thể hiện chiều sâu tri thức biển cùng niềm đam mê bất tận đối với đại dương của các tác giả. “Từng con tem như kể lại một câu chuyện về một loài sinh vật biển nào đó, giúp chúng ta tái hiện thế giới đại dương phong phú, hiểu việc làm của tiền nhân và khơi dậy tình yêu thiên nhiên vô bờ bến”, Tiến sĩ Trình chia sẻ.


Số hóa để quảng bá rộng rãi hơn


Tuy được sở hữu bộ sưu tập tem đồ sộ, đa dạng nhưng đến nay, bộ tem chỉ mới một lần được trưng bày tại Bảo tàng Hải dương học nhân dịp Festival Biển 2019 và được xác lập kỷ lục Bộ tem sinh vật biển lớn nhất Việt Nam với 890 con tem về các loài sinh vật biển. Từng con tem chưa được định danh trên cơ sở dữ liệu của Viện Hải dương học sẽ khó khăn trong việc quản lý nội dung thông tin bộ tem, tra cứu hay tổ chức triển lãm phục vụ công chúng. Chính vì vậy, Viện Hải dương học đã xây dựng đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở: “Xây dựng cơ sở dữ liệu và số hóa bộ tem của Viện Hải dương học phục vụ công tác tra cứu và truyền thông” do Tiến sĩ Trương Sĩ Hải Trình làm chủ nhiệm, thực hiện trong 2 năm 2021-2022.

 

1 Một số bộ tem tiêu biểu.

1 Một số bộ tem tiêu biểu.


Để thực hiện việc số hóa bộ tem, đầu tiên mỗi con tem sẽ được scan bằng máy chuyên dụng đạt độ phân giải và được cân chỉnh đáp ứng yêu cầu. Thông tin của từng bộ tem/con tem dựa vào thông tin gốc từ người sưu tập, thông tin tra cứu bổ sung và chỉnh lý theo thông lệ quốc tế (được quy định bởi các trang web chuyên dùng). Cơ sở dữ liệu về bộ tem sẽ được lưu trữ dưới dạng Excel gồm các thông tin như: Mã con tem, album gốc, số trang, nơi phát hành, năm phát hành, tên con tem, tên tiếng Anh…

 


Sau thời gian miệt mài làm việc, nhóm nghiên cứu đã số hóa 18 album tem, hơn 8.000 con tem thuộc 9 nhóm sinh vật, gần 3.000 loài được thu thập từ 190 địa điểm khác nhau trên toàn thế giới. Đáng chú ý là trong phần block thông tin giới thiệu về bộ sưu tập tem với người xem có các thông tin về xuất xứ và người sưu tập chính của bộ tem là Giáo sư, Tiến sĩ Yasuwo Fukuyo. Block còn giới thiệu 11 bộ tem với các chủ đề khác nhau như: Rùa biển, cá đuối, cá mập, giáp xác, san hô, cá rạn san hô, ốc, da gai, sinh vật độc, cá voi, thực vật biển. Ngoài ra, website còn giới thiệu bộ sưu tập tem tại địa chỉ http://tem.baotanghdh.vn với 152 con tem thuộc 11 chủ đề, 8 set tem tiêu biểu.


Theo Tiến sĩ Hoàng Xuân Bền - Phó Viện trưởng Viện Hải dương học, việc số hóa bộ tem của viện là việc làm thiết thực nhằm quảng bá hình ảnh viện, đa dạng sinh học biển đến công chúng; đồng thời bảo quản và phục vụ tra cứu tài liệu theo xu hướng số hóa. Nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện và phấn đấu hoàn thành công trình vào dịp Kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Viện Hải dương học.


V.L