11:02, 14/02/2022

Triển vọng từ cây sâm bố chính

UBND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) vừa nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở "Trồng thử nghiệm cây sâm bố chính trên địa bàn thị xã", do cử nhân Trần Thanh Hiếu - Trạm Khuyến nông Ninh Hòa làm chủ nhiệm. Đề tài mở ra triển vọng phát triển nguồn dược liệu có giá trị này.

UBND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) vừa nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở “Trồng thử nghiệm cây sâm bố chính trên địa bàn thị xã”, do cử nhân Trần Thanh Hiếu - Trạm Khuyến nông Ninh Hòa làm chủ nhiệm. Đề tài mở ra triển vọng phát triển nguồn dược liệu có giá trị này.

Cây dược liệu có giá trị kinh tế cao


Nhiều người dân sống tại Ninh Hòa cho biết, trên địa bàn thị xã, cây sâm bố chính mọc nhiều trên các vùng đất bán sơn địa, nương rẫy, đất trồng cây hàng năm khác tại một số xã như: Ninh Tây, Ninh Sơn, Ninh Tân, Ninh Sim, Ninh Trung, Ninh Thượng…

 

Khảo nghiệm sâm bố chính tại xã Ninh Tây, Ninh Hòa.

Khảo nghiệm sâm bố chính tại xã Ninh Tây, Ninh Hòa.


Theo cử nhân Trần Thanh Hiếu, Ninh Hòa có gần 79.000ha đất nông nghiệp (trong đó có 13.865ha đất trồng cây hàng năm) và 42.861ha đất rừng có thể phát triển cây sâm bố chính. Bên cạnh đó, Ninh Hòa có 6.000ha mía, trong đó nhiều diện tích là đất rừng cũng có thể trồng sâm bố chính. Hơn nữa, sản xuất mía những năm gần đây kém hiệu quả khiến nhiều người bỏ cây mía, chọn cây khác, đây là điều kiện thích hợp để sâm bố chính thay thế. Trong khi đó, cây sâm bố chính có công dụng lớn đối với sức khỏe con người, có giá trị kinh tế cao và nhu cầu thị trường rất lớn nhưng sản lượng hiện nay còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.


Chính vì thế, thị xã đã chọn cây sâm bố chính để triển khai trồng thử nghiệm. Mục tiêu đề ra là xây dựng quy trình kỹ thuật trồng cây sâm bố chính phù hợp với điều kiện sinh thái ở Ninh Hòa; đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế của mô hình; xác định giá trị dinh dưỡng của cây sâm bố chính.


Sẽ đề xuất nhân rộng

 

Sâm bố chính tên khoa học là Hibiscus Sagittifolius Kurz, còn có tên gọi là thổ hào sâm, sâm báo, nhân sâm Phú Yên… Theo Đông y, sâm bố chính có tác dụng nhuận phế, bổ máu, dưỡng tâm, hỗ trợ suy nhược cơ thể, mất ngủ… Là dược liệu quý, mọc hoang dại trong tự nhiên, cây được phân bố hầu hết các tỉnh Trung Bộ từ Nghệ An đến Bình Thuận và rải rác một số tỉnh phía bắc.

Ông Hiếu cho biết, để xác định quy trình trồng cây sâm bố chính, nhóm nghiên cứu chọn 2 mô hình trồng trên đất bằng sản xuất nông nghiệp và trên đất dốc; bố trí mỗi mô hình 5.000m2 với 3 cách thức bón phân và 2 mật độ trồng; thu hoạch lấy mẫu củ gửi đơn vị chức năng phân tích, đánh giá dược tính. Đồng thời, nhóm tổ chức 1 lớp tập huấn kỹ thuật trồng sâm bố chính, quy mô 50 người.


Sau 11 tháng theo dõi, chăm sóc, cây sâm cho thu hoạch. Kết quả cho thấy, đối với mô hình đất bằng, năng suất đạt 6,76 tấn/ha; mô hình đất dốc năng suất đạt 4,88 tấn/ha. Về hiệu quả kinh tế, mô hình đất bằng cho lợi nhuận 157,9 triệu đồng/ha, còn mô hình đất dốc có lợi nhuận thấp hơn.


Qua phân tích thành phần dược liệu cây sâm bố chính trồng tại Ninh Hòa do Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang thực hiện cho thấy, củ sâm bố chính được trồng trên vùng đất thị xã tương đối đầy đủ các thành phần dược tính. Trong đó, thành phần chính là Saponin trồng tại mô hình đất bằng phẳng đạt 2,46%, đất dốc đạt 1,51%. Đề tài cũng đúc kết được quy trình thâm canh cây sâm bố chính rất phù hợp tại Ninh Hòa; đồng thời tổ chức phổ biến kỹ thuật cho 50 lượt người.


Ông Nguyễn Tiến - Trưởng Trạm Khuyến nông Ninh Hòa cho hay, do giá thành bình quân bán cho Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm (tỉnh Quảng Bình) - đơn vị liên kết với địa phương thu mua trong bối cảnh dịch bệnh còn thấp (50.000 đồng/kg) nên lợi nhuận chưa cao. Nếu mức giá thành 200.000 - 300.000 đồng/kg tươi theo giá thị trường thì lợi nhuận rất cao, gấp 2-3 lần thời điểm làm đề tài. Trạm Khuyến nông thị xã sẽ đề xuất UBND thị xã thông qua các nguồn vốn sự nghiệp khuyến nông cho phép nhân rộng kết quả mô hình để ứng dụng rộng rãi trên địa bàn; đồng thời hỗ trợ tìm đầu ra, tiêu thụ ổn định, lâu dài cho người dân sản xuất cây sâm bố chính.


V.L