Các cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Thông tin liên lạc vừa thực hiện thành công những phần mềm, thiết bị ứng dụng vào chương trình giáo dục đào tạo của nhà trường và đời sống. Trong đó, 2 giải pháp về phần mềm hỗ trợ tự học và thiết bị định vị, cảnh báo, dẫn đường, đo khoảng cách đạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IX (2020-2021).
Các cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Thông tin liên lạc vừa thực hiện thành công những phần mềm, thiết bị ứng dụng vào chương trình giáo dục đào tạo của nhà trường và đời sống. Trong đó, 2 giải pháp về phần mềm hỗ trợ tự học và thiết bị định vị, cảnh báo, dẫn đường, đo khoảng cách đạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IX (2020-2021).
Phần mềm hỗ trợ tự học
Hiện nay, công tác chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt đối với việc phát triển “nhà trường thông minh”. Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc học trực tuyến càng được áp dụng. Với tình hình đó, nhóm giảng viên của Trường Đại học Thông tin liên lạc đã đề xuất giải pháp “Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) xây dựng phần mềm hỗ trợ tự học”.
Theo Thiếu tá Tạ Văn Thành, thành viên nhóm nghiên cứu, hiện nay, trên thị trường có nhiều phần mềm tự học, còn gọi là chatbot hay giảng viên ảo, trợ lý ảo. Tuy nhiên, nếu gõ từ không khớp với nội dung đã được lập trình sẵn thì máy sẽ không trả lời. Có một số phần mềm chatbot ứng dụng AI có thể tự sinh ra câu trả lời nhưng có thể không đúng kịch bản, hoặc nội dung trả lời của chatbot chỉ đơn điệu là dạng văn bản nên khó thể hiện được các nội dung học tập trừu tượng. Để khắc phục những nhược điểm trên, nhóm đã ứng dụng công nghệ AI, xây dựng chatbot nhằm hỗ trợ và nâng cao chất lượng tự học cho các đối tượng học sinh, sinh viên, học viên…
Phần mềm có giao diện web tiếng Việt (có thể phát triển thành tiếng Anh) kết cấu giống như các phần mềm hội thoại như: Messenger, Zalo…; có thể hoạt động trên nền tảng Facebook hay web... Nội dung môn học, bài học sẽ được nhập vào phần mềm và trở thành dữ liệu huấn luyện để cho “bộ não” xử lý và trả lời. Vì thế, chatbot sẽ trả lời cho người học như người thật trả lời. Nhóm tác giả đề xuất sử dụng kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Đây là kỹ thuật cho phép chương trình máy tính có khả năng giao tiếp với con người thông qua ngôn ngữ sử dụng hàng ngày thay vì ngôn ngữ lập trình. Đặc biệt, khi sử dụng phần mềm, giáo viên có thể giám sát quá trình tự học của người học và người học cũng có thể tự kiểm tra, đánh giá năng lực của mình.
Theo nhóm tác giả, phần mềm sẽ hữu ích nếu được triển khai ứng dụng trong các nhà trường. Phần mềm cũng đã được nhiều đơn vị đặt hàng.
Sáng chế thiết bị định vị, cảnh báo
Hiện nay, trên biển còn những khu vực chồng lấn về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và các nước, cần cảnh báo cho tàu thuyền quân sự và ngư dân Việt Nam không vi phạm. Bên cạnh đó, còn tồn tại những khu vực nguy hiểm hay cần hạn chế sự xâm phạm của tổ chức, cá nhân đối với một số khu vực nhất định. Vì thế, nhóm tác giả khác của Trường Đại học Thông tin liên lạc đã đề xuất giải pháp sáng chế “Thiết bị định vị, cảnh báo, dẫn đường, đo khoảng cách” góp phần giải quyết tình trạng này.
Theo Trung tá Cao Văn Thắng, sản phẩm được thực hiện dựa trên nguyên lý cập nhật, so sánh liên tục tọa độ GPS của thiết bị với tọa độ GPS khu vực cấm xâm nhập để đưa ra quyết định cảnh báo và dẫn đường, từ đó xác định tọa độ, đo khoảng cách. Mạch vi điều khiển thực hiện tính toán hai tham số tọa độ nói trên để điều khiển tín hiệu cảnh báo và dẫn đường, hiển thị tọa độ thiết bị. Công việc xử lý dữ liệu và so sánh, đo khoảng cách, điều khiển được thực hiện ở mạch điều khiển trung tâm, dựa trên dữ liệu tọa độ khu vực cấm xâm nhập được nhập từ bàn phím hoặc phần mềm. Dữ liệu tọa độ của thiết bị được cập nhật liên tục qua module GPS GT-U7. Màn hình LCD, hệ thống đèn led và la bàn cung cấp giao diện tọa độ, cảnh báo, dẫn đường cho người dùng để nhận biết tọa độ mình đang đứng, khi vi phạm vào khu vực cấm và tìm đường ngắn nhất ra khỏi khu vực đó, cũng như đo khoảng cách từ tọa độ A đến tọa độ B.
Theo nhóm tác giả, thiết bị cầm tay nói trên đặc dụng cho xác định tọa độ, cảnh báo, dẫn đường, đo khoảng cách. Hiện nay, loại thiết bị này chưa phổ biến trên thị trường. Thiết bị không chỉ đảm bảo an toàn cho người sử dụng mà còn giảm thiểu chi phí cho cá nhân (nếu sản xuất hàng loạt có giá thành 2,5 triệu đồng), trong khi các thiết bị tương tự trên thị trường có giá rất cao. Sản phẩm có thể được ứng dụng rộng rãi cho tàu, thuyền khai thác hải sản trên biển; áp dụng cho các công ty khai khoáng, khai thác lâm sản, các đoàn thám hiểm, khảo sát, khảo cổ… Đặc biệt, sản phẩm được ứng dụng trong lĩnh vực quân sự với mục đích cảnh báo khu vực nguy hiểm, định vị, dẫn đường…
V.L