Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang vừa nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám và công nghệ đồ họa xây dựng bộ dữ liệu bản đồ thảm thực vật dưới biển, ứng dụng thí điểm tại vùng biển tỉnh Khánh Hòa" do Tiến sĩ Võ Trọng Thạch làm chủ nhiệm.
Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang vừa nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám và công nghệ đồ họa (GPGPU) xây dựng bộ dữ liệu bản đồ thảm thực vật dưới biển, ứng dụng thí điểm tại vùng biển tỉnh Khánh Hòa” do Tiến sĩ Võ Trọng Thạch làm chủ nhiệm. Đây có thể xem là nghiên cứu đầu tiên ứng dụng công nghệ viễn thám ở Việt Nam trong lĩnh vực môi trường và thực vật biển.
Theo Tiến sĩ Võ Trọng Thạch, vùng biển Việt Nam có thảm thực vật thủy sinh phong phú đa dạng, nhưng vẫn chưa có phương pháp đánh giá khách quan, khoa học, dẫn đến khó khăn trong điều tra và quản lý trữ lượng nguồn lợi. Một trong những phương pháp hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí đó là ứng dụng công nghệ viễn thám kết hợp với hệ thống thông tin địa lý.
Sau hơn 3 năm triển khai, nhóm khảo sát đã sử dụng nguồn ảnh viễn thám thảm thực vật biển toàn vùng nước ven bờ Khánh Hòa chụp từ năm 2015 đến 2019; kết quả các chuyến khảo sát thực địa về hiện trạng rong biển và cỏ biển tại Khánh Hòa; thu thập, phân tích và xử lý ảnh viễn thám bằng các phần mềm đặc trưng..., qua đó xác định vùng ven biển Khánh Hòa với tổng diện tích thảm thực vật dưới biển (rong và cỏ biển) mùa nắng khoảng 3.683ha và mùa mưa khoảng 2.616ha. Cụ thể, diện tích thảm thực vật dưới biển của 5 khu vực trọng điểm gồm: vịnh Vân Phong cả năm 1.276,6ha; đầm Nha Phu 1.186,6ha; vịnh Nha Trang 329ha; đầm Thủy Triều 535,9ha; vịnh Cam Ranh 354,8ha. Trong năm, diện tích cỏ biển không biến động giữa mùa mưa và mùa khô, biến động lớn giữa 2 mùa chủ yếu là các thảm rong biển. Diện tích cỏ biển đã giảm đi nhiều lần, có nơi giảm đến 78,4% so với năm 2015.
Ngoài ra, cỏ biển ở vịnh Vân Phong chỉ phân bố ở Mỹ Giang (Ninh Phước, Ninh Hòa), Xuân Tự (Vạn Hưng, Vạn Ninh) và Tuần Lễ (Vạn Thọ, Vạn Ninh) nên có thể xem xét sự biến động của cỏ biển ở Vân Phong chủ yếu tại 3 khu vực này. Theo kết quả nghiên cứu tại Mỹ Giang, Xuân Tự và Tuần Lễ, diện tích cỏ biển đã suy giảm từ hơn 500ha (năm 1998) xuống còn 334ha vào năm 2019. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng suy giảm cỏ biển tại đây là do ảnh hưởng của việc gia tăng diện tích nuôi trồng thủy sản ven bờ và nuôi tôm hùm lồng. Ngoài ra, hoạt động khai thác thủy sản và tác động của các hiện tượng tự nhiên cực đoan (áp thấp nhiệt đới, bão...) cũng ảnh hưởng đến phân bố cỏ biển trong vùng.
Theo Tiến sĩ Phạm Đức Thịnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học cơ sở, kết quả nghiên cứu là cơ hội và triển vọng mở ra hướng đi mới trong đánh giá, dự báo biến động nguồn lợi thực vật biển, hỗ trợ nâng cao hiệu quả công tác quản lý, quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biển ven bờ. Đề tài đã ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ đồ họa đa năng GPGPU xây dựng phần mềm mã nguồn mở GPU4RS giải đoán ảnh viễn thám quang học và xây dựng bản đồ thảm thực vật dưới biển theo mùa với nhiều tỷ lệ khác nhau tại 5 vùng trọng điểm của tỉnh (Vân Phong, Nha Phu, Nha Trang, Bãi Dài và Cam Ranh). Từ đó, bàn giao cho tỉnh làm cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
V.L