10:10, 25/10/2021

Tích cực chuyển đổi số

Ngày 19-10, Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành Nghị quyết số 16 về chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đề ra là đưa Khánh Hòa nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu về chuyển đổi số vào năm 2030.

Ngày 19-10, Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành Nghị quyết số 16 về chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đề ra là đưa Khánh Hòa nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu về chuyển đổi số vào năm 2030.


Kết quả bước đầu


Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực trong tư duy và hành động về chuyển đổi số. Điều này được thể hiện thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đã góp phần giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí, thời gian của người dân và doanh nghiệp. “Hiện nay, có nhiều TTHC liên quan đến hoạt động quảng cáo đã được công khai tiếp nhận, giải quyết trực tuyến và thanh toán trực tuyến nên tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho doanh nghiệp”, ông Huỳnh Ngọc Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo Toàn Dũng cho biết.

 

Mô hình điểm truy cập Internet, hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Sở Tư pháp. Ảnh: Thiện Tâm

Mô hình điểm truy cập Internet, hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Sở Tư pháp. Ảnh: Thiện Tâm


Theo ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết TTHC đã đi vào thực chất hơn. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, vai trò của chuyển đổi số càng thể hiện rõ nét. Hệ thống họp trực tuyến giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo được kịp thời, nhanh chóng. Hệ thống tác nghiệp điện tử E-Office tạo thuận lợi cho hoạt động làm việc từ xa, làm việc ở nhà. Hệ thống cung cấp dịch vụ hành chính công giúp cho việc thực hiện TTHC trực tuyến và thanh toán trực tuyến được dễ dàng, nhanh chóng. Cùng với đó là việc triển khai các nền tảng ứng dụng giúp cho công tác quản lý tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được chặt chẽ hơn.


Tuy nhiên, những kết quả đạt được cũng chỉ là bước đầu của công cuộc chuyển đổi số và mới đáp ứng được một phần trong 3 nội dung cơ bản của chuyển đổi số gồm: Chính quyền số - kinh tế số - xã hội số. Quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như: Hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đầy đủ so với nhu cầu; việc tích hợp và chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các hệ thống thông tin còn chậm triển khai, tài nguyên dữ liệu số chưa khai thác hiệu quả; tỷ trọng đầu tư công nghệ ở khối doanh nghiệp chưa cao; hoạt động thương mại điện tử còn ở mức thấp…


Nâng chỉ tiêu để tăng tốc

 

Năm 2020, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh đạt 64,06%; hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 56%; tỷ lệ đấu thầu qua mạng đạt 35,8%...


Đến năm 2030, về phát triển chính quyền số, sẽ có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên cơ sở khai thác kho dữ liệu trực tuyến dùng chung của tỉnh; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số, hình thành các nền tảng dữ liệu mở phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm. Về phát triển kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP của tỉnh. Về phát triển xã hội số, thực hiện phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang, mạng 5G, tỷ lệ dân số sử dụng các ứng dụng, dịch vụ số để tương tác với chính quyền đạt hơn 80%. 

Theo nội dung Nghị quyết số 16 của Tỉnh ủy, đến năm 2025, sẽ đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành; thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số; đưa tỉnh Khánh Hòa nằm trong nhóm 25 tỉnh, thành phố đứng đầu về chuyển đổi số. Đến năm 2030, hoàn thành cơ bản chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh; tỉnh Khánh Hòa nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu về chuyển đổi số; phấn đấu đạt được các mục tiêu cao hơn về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.


Ông Phạm Duy Lộc - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, điểm đáng chú ý trong Nghị quyết số 16 của Tỉnh ủy so với Quyết định 749 ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là tỉnh đã đưa ra một số chỉ tiêu cao hơn. Chẳng hạn, đến năm 2025, về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, cả nước phấn đấu đạt 80%, tỉnh phấn đấu đạt 100%; đến năm 2030, cả nước phấn đấu đạt 100% cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên các phương tiện truy cập khác nhau, nhưng tỉnh phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên cơ sở khai thác kho dữ liệu trực tuyến dùng chung của tỉnh. Nghị quyết số 16 cũng bổ sung một số mục tiêu mới so với mục tiêu chung của cả nước như: Đến năm 2025, có 100% doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh, 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh hoàn thành chuyển dịch trên nền tảng số; tỷ lệ dân số sử dụng các ứng dụng, dịch vụ số để tương tác với chính quyền đạt hơn 50%. Về các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, nghị quyết của tỉnh có 7 lĩnh vực (thêm 2 lĩnh vực so với hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông), trong đó lĩnh vực du lịch, dịch vụ được đưa lên hàng đầu.   


Với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực, Nghị quyết số 16 được kỳ vọng sẽ đưa việc chuyển đổi số ở địa phương nhanh hơn, toàn diện hơn, bắt kịp xu thế chung. Phát biểu tại hội nghị chuyên đề về chuyển đổi số trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Việc chuyển đổi số là cần thiết, là yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đồng thời cũng là nhu cầu để phát triển. Chính vì thế, chúng ta cần triển khai thực hiện Nghị quyết số 16 một cách nghiêm túc, tâm huyết và trách nhiệm”.


Giang Đình