Làng nổi Khải Lương cách bến đò cầu cảng thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) hơn 2 giờ đi thuyền máy. Du khách sẽ được dịp ngắm biển mênh mông xanh biếc, Hòn Lớn (Đại Dự), cụm ba non với những Hòn Me, Hòn Mài, Hòn Đụn; quần thể đảo không xa bờ này hợp nên một góc biển trời bao la rất lạ! ....
Làng nổi Khải Lương cách bến đò cầu cảng thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) hơn 2 giờ đi thuyền máy. Du khách sẽ được dịp ngắm biển mênh mông xanh biếc, Hòn Lớn (Đại Dự), cụm ba non với những Hòn Me, Hòn Mài, Hòn Đụn; quần thể đảo không xa bờ này hợp nên một góc biển trời bao la rất lạ! Thuyền qua Bãi Tây thắng cảnh (gọi Bãi Tây là vì ngày xưa, người Pháp dựng tại bãi này một trạm kiểm soát ngư thuyền), qua Bãi Tranh, khách nhìn thấy thấp thoáng nhà dân, rồi Bãi Lách nên thơ.
Và, Khải Lương xa trông bềnh bồng làng đảo nổi trong vịnh Vân Phong kỳ ảo đang trước mặt. Thuyền cập cầu cảng, khách lên bờ. Đường làng đảo quanh co, nhà nhà bên nhau san sát quần cư. Nhiều mái nhà tầng với kiến trúc hiện đại mở cửa ra biển khơi. Làng đảo với gần 250 hộ, hơn 1.400 nhân khẩu sinh sống ở bãi trước và bãi sau. Hai bãi ngày xưa nối nhau bằng con đường cát pha đất, hiện nay đã bê tông hóa đàng hoàng. Nguồn sáng điện lưới quốc gia về giăng giăng làng đảo cũng đã hơn chục năm rồi.
Cư dân đảo hiền lành, quen với sóng gió biển khơi từ thuở ông cha lập nghiệp, sống nhờ biển. Ngoài các sở lưới đăng Hồ Na, Tiểu cảng Suối Châu, Dĩnh trích Đá dựng (bãi Dáng), Nghi phong Diêu chữ (bãi Dầm) là những sở lưới đăng cố định của ngư dân Khải Lương và Vạn Giã hợp sức làm ăn qua những thời hoàng kim đã để lại câu hát “Ai về làm rể lưới đăng/Ăn cơm bát bịt, tôm rằn kho tiêu”, ngư phủ Bãi/Bảy Giếng còn đánh bắt xa bờ, mành đèn, mành tôm, đánh lưới hai, làm nước mắm… Ngày nay, dân làng đảo nuôi tôm hùm lồng, tôm thẻ chân trắng, cá bớp… Người phụ nữ Bảy Giếng ngoài việc nội trợ, còn chuyên vá lưới, đan lưới. Hạnh phúc ấy đã đi vào ca dao: Có chồng Bãi Giếng được nhờ/Ngày thời chắp bã, tối đánh cờ hơn con.
Làng đảo Khải Lương luôn giữ gìn và không ngừng phát huy, cải tiến nghề truyền thống biển đã có hơn 200 năm nối nghiệp. Xuân thu nhị kỳ, làng đảo tổ chức nghiêm trang cúng tế đình làng, lăng miếu theo phong cách cổ truyền dân tộc. Mái chùa Đại Hải vút cong, trầm mặc bên cây bồ đề. Từng hồi chuông gióng âm ba bềnh bồng ngọn sóng.
Khi ngọn nắng tinh mơ đầu tiên từ phía Mũi Đôi - Hòn Đầu ngoài khơi vịnh Vân Phong tràn lên làng đảo bềnh bồng, ấm nồng, thuyền rời bến. Này Tiểu cảng Suối Châu thơ mộng. Đây bãi trước sóng xô, bãi sau núi dựng. Kia gành đá ngóc ngách; Gành Sấu truyền thuyết dị thường. Biển êm đềm cơn sóng vỗ… Một lần nữa, làng đảo thu vào mắt du khách trước lúc lên thuyền. Âm ca bài Đường thi “Khải Lương phong cảnh đẹp xinh thay/Gành Sấu, Cây Găng, đá lố bày/Trước mặt sóng xô dường phụng lộn/Sau lưng sóng dợn tợ rồng bay/Nhà ở cổ kim liên họa cuộc/Giếng xưa di tích dấu còn đây/Khen ai khéo vẽ tô tô điểm/Nước nước non non mãi vững đầy” bập bềnh theo con sóng trở chuyến ngoạn du…
Võ Khoa Châu