Điểm mua bán cây tầm vông, tre ven bờ sông Cái của ông Bùi Nga ở thôn 2, xã Diên Phú (huyện Diên Khánh) thu hút nhiều khách du lịch quốc tế đến tham quan. Đằng sau cây tre ẩn chứa những câu chuyện đời sống của người dân nông thôn.
“Anh muốn biết khách Tây đến đây xem uốn cây tầm vông (họ tre) như thế nào thì phải đợi đến gần 10 giờ. Gặp thời điểm tàu du lịch biển quốc tế cập vào cảng Nha Trang, xe lớn đổ khách xuống cả trăm người, họ ngắm nhìn rồi hỏi, mấy người phiên dịch nói lại bằng tiếng Anh” - ông Bùi Nga, chủ cơ sở bán tre, tầm vông ở thôn 2, xã Diên Phú khởi đầu câu chuyện.
Bên lò than đỏ rực, những người thợ liên tục đút cây vào, kéo lên, hất qua hất lại, tăng dây, ngắm nghía... để uốn ra được những cây tầm vông thẳng tắp… Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, điện thoại của ông Nga đổ chuông. Nói chuyện với khách hàng xong, ông quay sang giục 2 người thợ phải làm tăng tốc để mấy ngày tới giao đủ 1.000 cây cho một khu nghỉ dưỡng ở Bãi Dài, huyện Cam Lâm.
Khách du lịch quốc tế tham quan cơ sở làm tre ở xã Diên Phú. |
Rồi một chiếc xe ô tô tấp vào lề đường sát chỗ uốn cây. Hai du khách Mỹ đến, chăm chú xem thao tác của những người thợ uốn cây rồi chụp ảnh. Anh hướng dẫn viên du lịch vừa nói vừa múa tay, khách cười vui vẻ. Ông Fisher (65 tuổi), du khách người Mỹ xem xong một vòng quy trình uốn cây, ghé vào quán bánh căn sát bên do vợ ông Nga bán để thưởng thức những cái bánh nóng đổ với trứng cút. Ăn xong, ông khen ngon với chủ quán, rồi quay lại xem uốn cây, hỏi hướng dẫn viên tường tận những câu chuyện về cây tre Việt Nam.
Tiếp tục có đoàn khách Pháp 7 người đi xe máy ghé vào tham quan. “Mấy người khách Tây nói bên xứ của họ, nhà ai sử dụng các vật dụng bằng tre, mái lợp tranh là nhất hạng, chỉ có dân giàu mới chơi nổi. Khách đến đây được hướng dẫn viên giới thiệu tỉ mỉ về công dụng, nghệ thuật của tre, kể cả vót chông tre, cài bẫy thời kỳ nhân dân ta đánh Pháp, đánh Mỹ. Khách nghe vậy rất thích thú, cứ xúm vô chụp ảnh, quay phim” - ông Nga kể.
Mười mấy năm nay, tuy chỗ bán tre của ông Nga ngày nào cũng có khách du lịch quốc tế đến tham quan nhưng ông Nga không thu đồng phí nào, xem đó là niềm vui, đóng góp chút ít với ngành Du lịch tỉnh. Lúc nào khách yêu cầu, ông cũng vui vẻ giới thiệu, kể tường tận câu chuyện về cây tre Việt.
Ông Nga 62 tuổi, đời thứ 3 làm nghề buôn bán tre ở thôn 2, xã Diên Phú. Thời ông nội của ông Nga phải vận chuyển tre bằng đường biển vào tận Phan Thiết, Vũng Tàu... bán cho ngư dân đánh cá. Những năm 1965, gia đình ông vận chuyển tre bằng xe tải. Thời đó, xe tải ngắn, chất những cây tre dài gác qua cabin xe giống như nòng pháo. Cách đây 13 năm, có một bạn hàng đến hỏi ông Nga sao không bán cây tầm vông? Thế là ông đi xe đò vào tỉnh Bình Phước tìm mua cây. Lần đầu tiên, ông mua 4.000 cây, thuê chiếc xe tải lớn với giá 12 triệu đồng, bán 20 ngày mới hết hàng, lãi 8 triệu đồng. Từ ngày “mở đường” mua cây ở Bình Phước, 8 năm sau mới có cây tầm vông trồng ở Khánh Hòa. “Ông chú ở trong thôn thấy tôi bán cây tầm vông được nên đến xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh làm rẫy, vào tỉnh Bình Phước mua giống tầm vông về trồng. Sau mấy năm, tôi lên mua cây, ông chú cho biết trồng cây tầm vông lãi hơn trồng cây keo. Rồi ông tiếp tục mở rộng diện tích trồng, bây giờ có nhiều người ở xã Khánh Hiệp, Khánh Trung, Khánh Bình... trồng cây tầm vông. Có hộ trồng nhiều, tôi phải đưa lực lượng lên chặt 2 tháng mới hết vùng cây, chủ cây lãi 300 triệu đồng”- ông Nga hào hứng kể.
Từ khi ở huyện Khánh Vĩnh có trồng cây tầm vông với số lượng nhiều, ông Nga không đi vào các tỉnh phía nam mua cây nữa, đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng các cây thuộc dòng họ tre cho cơ sở du lịch, quán cà phê, nhà hàng... Đặc điểm cây tầm vông trồng ở huyện Khánh Vĩnh lóng ngắn, thân dày, cây chắc, chịu được nắng mưa. Ngoài những mối lớn làm khu nghỉ dưỡng ở Hòn Hèo, Cam Lâm, Cam Ranh..., các khu du lịch ở các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận... cũng đặt hàng mua cây của ông Nga. Ông Toàn Văn Năm, thợ uốn cây cho biết: “Hiện nay, cả tỉnh chỉ có cơ sở của ông Nga thu mua cây tầm vông tươi, uốn thẳng cung cấp cho các đại lý khắp nơi. Một vài người có mở cơ sở làm giống như ông Nga nhưng không thành công. Ông Nga có một đội quân chặt cây chuyên nghiệp ở xã Diên Phú, sáng nào cũng lên Khánh Vĩnh chặt cây. Còn thợ uốn như tôi, 6 giờ sáng phải đốt than đỏ, làm “theo lửa” xuyên buổi trưa. Khách hàng đặt nhiều quá phải bỏ thêm than làm cả ngày”.
Ông Phan Xuân Anh - Công ty Tân Hồng chuyên tổ chức đưa khách từ tàu du lịch biển quốc tế cập cảng Nha Trang đi tham quan các điểm trong tỉnh cho biết: “Mỗi lần tàu biển cập vào vịnh Nha Trang, du khách thường hay chọn đi tour đồng quê. Tôi hay đưa khách ghé vào tham quan cơ sở bán tre của ông Nga, ngắm nhìn cánh đồng lúa chín... Tôi đã làm du lịch mấy chục năm nay, hễ đi đến chỗ nào thấy nhà, quán làm bằng tre đều thấy dễ chịu bởi có sự “mềm mại” giữa vùng bê tông của khu du lịch”.
LỆ GIANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin