Dịch bệnh Covid-19 đã khiến du lịch Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng chịu tổn thất nặng nề. Lượng khách du lịch lao dốc không phanh, lao động thất nghiệp ngày càng nhiều…
Dịch bệnh Covid-19 đã khiến du lịch Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng chịu tổn thất nặng nề. Lượng khách du lịch lao dốc không phanh, lao động thất nghiệp ngày càng nhiều…
Lượng khách giảm sâu
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), tháng 3, Việt Nam đón gần 450.000 lượt khách quốc tế, giảm 63,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong tháng 3 chỉ đạt 33.200 lượt, giảm 91,5%, khách Hàn Quốc chỉ đạt 28.700 lượt, giảm 91,4%. Tính chung 3 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 3,7 triệu lượt, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019.
So với toàn quốc, du lịch Khánh Hòa bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Theo báo cáo của Sở Du lịch, ước tính trong quý I, Khánh Hòa đón khoảng 644.000 lượt khách du lịch, giảm 58,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế khoảng 415.360 lượt, giảm 52,6%; khách nội địa gần 229.500 lượt, giảm 66,3%. Số khách quốc tế giảm nhiều tập trung ở các thị trường chính như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga. Công suất phòng bình quân của các khách sạn trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 24,5%. Với số lượng khách giảm sâu chưa từng có, ước tính trong quý I, tổng thu từ du lịch của Khánh Hòa thiệt hại khoảng 5.400 tỷ đồng.
Sự sút giảm về lượng khách, doanh thu du lịch đã kéo theo một số lượng lớn người lao động mất việc. Theo ước tính của Sở Du lịch, dịch Covid-19 đã khiến khoảng 17.100 lao động trong ngành Du lịch bị mất việc, trong đó lĩnh vực lưu trú giảm khoảng 15.000 người (chiếm 30% tổng số lao động lĩnh vực lưu trú), lĩnh vực lữ hành giảm 2.100 người (giảm 60%). Số lượng xe kinh doanh vận tải lĩnh vực du lịch bị ngưng hoạt động là 1.780 xe. “Chưa bao giờ ngành Du lịch gặp khó khăn như hiện nay. Sau thời gian cầm cự, đến cuối tháng 3, khách sạn phải cho 1/3 lao động nghỉ không lương. Số lao động còn lại cũng chia nhau làm việc và chỉ hưởng 50% lương so với trước đây. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài, nhiều khả năng khách sạn phải tiếp tục cắt giảm lao động”, ông Võ Quang Hoàng - Giám đốc khách sạn Ariyana cho biết.
Cố “sống sót” qua mùa dịch
Hiện nay, Sở Du lịch đã đề ra một số phương hướng, nhiệm vụ hoạt động trong quý II. Theo đó, nếu dịch bệnh sớm được khống chế, Sở Du lịch tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông với chủ đề “Sống an toàn”, “Việt Nam an toàn”, trong đó tập trung khẳng định Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng là điểm đến an toàn cho du khách. Sở Du lịch cũng sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa và các đơn vị liên quan triển khai chương trình kích cầu quốc tế và nội địa; giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp vì chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Phương hướng là vậy, nhưng với việc dịch Covid-19 đang bùng phát khắp thế giới, ở trong nước Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu “cách ly toàn xã hội 15 ngày”, quãng thời gian sắp tới ngành Du lịch chắc chắn sẽ còn khó khăn hơn. Hầu hết lãnh đạo các đơn vị du lịch cho rằng, giải pháp tối ưu nhất lúc này là cắt giảm tối đa chi phí, cố gắng tồn tại qua mùa dịch để chờ giai đoạn phục hồi. Ông Lê Văn Sơn - Tổng Giám đốc khách sạn Liberty Nha Trang cho rằng, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, các doanh nghiệp cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong việc xúc tiến du lịch. Du lịch Khánh Hòa cần phải sử dụng các app công nghệ 4.0 để truyền tải du lịch Nha Trang ra với thế giới thay vì phải tham gia các hội chợ du lịch.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp du lịch, đồng thời cho biết sở sẽ cố gắng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc giảm thiểu tổn thất vì dịch bệnh. Hiện nay, sở đã đề xuất một số giải pháp hỗ trợ như: triển khai các gói vay ưu đãi, kéo dài chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, gia hạn thời gian đóng bảo hiểm xã hội… Hy vọng, những chính sách này sẽ sớm đến với các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tồn tại qua mùa dịch này.
XUÂN THÀNH