Gần 20 năm nay, chúng ta đã có nhiều cố gắng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, coi văn hóa doanh nghiệp là giá trị cốt lõi để phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, hoạt động trên đây của doanh nghiệp du lịch ở Khánh Hòa còn nhiều bất cập. Những nhân tố văn hóa đưa vào doanh nghiệp chưa đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, chưa khai thác hết những giá trị văn hóa truyền thống.
Gần 20 năm nay, chúng ta đã có nhiều cố gắng xây dựng văn hóa doanh nghiệp (DN), coi văn hóa DN là giá trị cốt lõi để phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, hoạt động trên đây của DN du lịch ở Khánh Hòa còn nhiều bất cập. Những nhân tố văn hóa đưa vào DN chưa đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, chưa khai thác hết những giá trị văn hóa truyền thống. Việc hiểu biết và xây dựng văn hóa DN du lịch ở Khánh Hòa còn ít, manh mún, nhiều khi mới biểu hiện ở mặt hình thức. Những hiện tượng vi phạm pháp luật, kinh doanh theo kiểu chụp giật vẫn diễn ra, gây nhiều khó khăn cho du khách và cả cơ quan quản lý nhà nước. Điều này đã làm hạn chế sức cạnh tranh của DN du lịch Khánh Hòa, các DN chưa có khả năng thâm nhập, phát triển trên thị trường khu vực và nước ngoài.
Số lượng các DN du lịch tăng nhanh qua các năm, số lượng khách du lịch cũng tăng đột biến trong chưa đầy 10 năm trở lại đây và doanh thu du lịch cũng tăng cao. Tuy nhiên, trong đà phát triển đó, việc xây dựng và phát triển văn hóa trong các DN du lịch ở Khánh Hòa chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Chẳng hạn, sau gần 3 năm Thủ tướng Chính phủ phát động xây dựng văn hóa DN trong toàn quốc, mãi đến tháng 4-2019, chúng ta mới phát động triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Về lâu dài, ngành Du lịch cần có kế hoạch trong việc khai thác các giá trị văn hóa để các DN du lịch phát huy cao hơn nữa nội lực của mình.
Theo tôi, việc này cần có sự chung tay vào cuộc từ hai phía, cả cơ quan quản lý nhà nước và DN du lịch. Đối với cơ quan quản lý nhà nước phải có những hành động cụ thể để hỗ trợ nâng cao nhận thức, quán triệt sâu rộng về vai trò của văn hóa DN trong cộng đồng DN du lịch và từng DN du lịch; xây dựng, phát triển nền tảng văn hóa DN gắn với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; coi phát triển văn hóa DN là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN; thể hiện tích cực vai trò quản lý nhà nước vào việc đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động kinh doanh. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các sự kiện, hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về văn hóa DN cho các DN du lịch; tôn vinh các doanh nhân xây dựng thành công mô hình văn hóa DN của đơn vị.
Đối với DN du lịch, chủ động phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của người lãnh đạo. Bởi điều này có ảnh hưởng đến lề lối, phong cách làm việc của toàn bộ cán bộ, công nhân viên trong chính DN. Bên cạnh đó, quan tâm bồi dưỡng và nâng cao nhận thức về kinh doanh có văn hóa cho cán bộ, nhân viên trong DN; xác định rõ tầm nhìn và các giá trị cốt lõi của DN; tạo nếp văn hóa ứng xử tốt trong DN với khách hàng, người lao động phải rèn luyện bản thân mình để tạo hình ảnh đẹp của DN; nâng cao văn hóa tinh thần, tăng cường thể lực cho người lao động thông qua xây dựng các thiết chế văn hóa và môi trường làm việc.
Nguyễn Văn Thành
(Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa)