Ngày 4-8, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo quốc tế "Du lịch Khánh Hòa trong chiến lược phát triển điểm đến Quốc gia". Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và gần 200 đại biểu.
Ngày 4-8, UBND tỉnh Khánh Hoà tổ chức Hội thảo quốc tế “Du lịch Khánh Hòa trong chiến lược phát triển điểm đến Quốc gia”. Tham dự hội thảo có các ông: Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và gần 200 đại biểu. Tại hội thảo, các chuyên gia du lịch đã tập trung thảo luận các giải pháp để nâng cao chất lượng du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, xây dựng Nha Trang thành điểm đến mang tầm quốc tế.
Cần đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng liên kết
Khánh Hòa hiện có 684 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 31.700 phòng. Trong đó, có 150 cơ sở lưu trú xếp hạng 3 - 5 sao, với tổng số phòng khoảng 22.300 phòng, chiếm 70,4% trên tổng số phòng lưu trú. 6 tháng đầu năm, du lịch Khánh Hòa đón 3,2 triệu lượt khách lưu trú, trong đó hơn 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu hơn 12.000 tỷ đồng, tăng trưởng 34%. |
Các chuyên gia du lịch đều đánh giá rất cao tiềm năng du lịch của Nha Trang - Khánh Hòa. Tuy nhiên, để trở thành một điểm đến mang tầm quốc tế, du lịch Khánh Hòa còn nhiều việc phải làm, trong đó có việc xây dựng sản phẩm hấp dẫn. “Chúng ta đang khai thác những thứ đã có, bào mòn những gì thiên nhiên, lịch sử và văn hóa truyền thống để lại. Nhìn nhận thực tế, chúng ta chưa thiết kế được dịch vụ để kéo khách đến và lôi kéo khách quay trở lại (chỉ đạt 5 - 6%)…”, ông Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Phát triển kinh doanh, Tập đoàn Crystal Bay bày tỏ.
Tiến sĩ Trần Du Lịch - Trưởng Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung đề nghị, Khánh Hòa cần đẩy mạnh hơn nữa liên kết phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, bởi hiện nay, hiệu quả của liên kết thể hiện trong sự phát triển du lịch của vùng chưa rõ và chưa được như kỳ vọng. “Cần phải gắn kết sản phẩm du lịch của Nha Trang - Khánh Hòa và Tây Nguyên, bởi đây là những sản phẩm có tính khác biệt, bổ trợ cho nhau. Đồng thời, xúc tiến quảng bá Nha Trang như điểm đến của khu vực duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên, tạo động lực phát triển du lịch của cả khu vực”, Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.
Với kinh nghiệm tư vấn ở hơn 70 quốc gia, ông Nicolas Urvois - Giám đốc cấp cao, Tập đoàn Tư vấn Du lịch THR (Dubai, UAE) cho rằng, để phát triển du lịch lên tầm cao, Khánh Hòa cần “chậm lại” để có cái nhìn toàn cảnh về thực trạng của mình; nghiên cứu, chọn lọc thị trường, định vị sản phẩm dịch vụ đặc trưng và xây dựng thương hiệu điểm đến. Để “chuyển hóa” từ hoạt động du lịch đơn thuần sang cấp độ khiến du khách nhớ và thực sự cảm nhận được những trải nghiệm, mỗi điểm đến cần tìm ra các hoạt động nổi bật tác động đến cảm xúc, trí nhớ của người du ngoạn. “Nếu chỉ làm du lịch dựa trên bãi biển đơn thuần thì nhiều nơi khác cũng có biển. Nha Trang - Khánh Hòa cần phải xây dựng được những sản phẩm đặc trưng riêng có, bên cạnh biển có thể khai thác du lịch leo núi… để bổ trợ”, chuyên gia Nicolas Urvois gợi ý.
Chiến lược marketing dài hạn
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng: Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đang phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, hoạt động du lịch vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, phong phú; chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách; thị trường khách mất cân đối. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế; sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao; nguồn nhân lực du lịch thiếu; vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy. |
Tại hội thảo, các chuyên gia đã có nhiều ý kiến về chiến lược marketing dài hạn cho du lịch Nha Trang - Khánh Hòa. Theo ông Serhat Guzelyurt - Phó Quản lý vận hành, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam, cần xây dựng thương hiệu kép Việt Nam - Nha Trang, trong đó phải chọn lựa, quảng bá hình ảnh biểu tượng của du lịch Nha Trang.
Ông Đặng Bảo Hiếu - Tổng Giám đốc Focus Travel cho rằng: “Du lịch Khánh Hòa cần xác định được thị trường trọng điểm tiếp theo sau thị trường Nga và Trung Quốc. Xác định được điều đó chúng ta mới xây dựng, bổ sung sản phẩm phù hợp, lên kế hoạch xúc tiến, quảng bá ở đất nước sở tại”.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã nhấn mạnh đến việc ứng dụng công nghệ số để quảng bá du lịch. “Ngày nay, marketing trong du lịch không chỉ đơn giản là quảng bá điểm đến, mà là tiến trình sử dụng nội dung kết hợp nền tảng công nghệ để tương tác với du khách tiềm năng, theo chu trình: nhận biết, tương tác, mua hàng, trung thành, vận động. Thu hút họ đến du lịch chỉ là bước đầu, bí quyết để điểm đến lưu lại trong tâm trí du khách là làm sao khiến họ tìm thấy sự kết nối với cảnh vật, con người địa phương, từ đó tạo sự kết nối giữa họ cùng người bạn đồng hành, gia đình và sâu xa hơn là với chính bản thân họ”, ông Lê Quốc Vinh - Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên minh các công ty quảng cáo và marketing độc lập toàn cầu nêu ý kiến.
Kết luận hội thảo, ông Trần Việt Trung - Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, hội thảo lần này, các chuyên gia đã đưa ra vấn đề mang tính chiến lược, cũng như các giải pháp để tái cơ cấu ngành Du lịch, định vị thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế. Sở sẽ tổng hợp, báo cáo các ý kiến đề xuất với UBND tỉnh để có những bước đi tiếp theo. Sắp tới, Sở Du lịch xây dựng đề án tái cơ cấu du lịch Nha Trang, trong đó tập trung vào sản phẩm du lịch, thị trường khách, không gian phát triển du lịch, marketing và nhân lực du lịch.
XUÂN THÀNH