08:03, 16/03/2020

Khánh Sơn: Hiệu quả từ mô hình tưới tiết kiệm

Mấy năm gần đây, nhiều gia đình tại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây trồng và bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt.
 

 

Mấy năm gần đây, nhiều gia đình tại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây trồng và bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt.
 
Nhiều ưu điểm
 
Theo ông Thái Thanh Hòa (thôn Chi Chay, xã Sơn Trung), so với việc tưới thủ công bằng tay thì hệ thống tưới tiết kiệm có nhiều ưu điểm vượt trội; quan trọng nhất là tiết kiệm được lượng điện, nước và thời gian tưới, nhưng vẫn đảm bảo độ ẩm đồng đều, thường xuyên và cần thiết cho cây, ngay cả trong những ngày nắng hạn, giúp cho bộ rễ của cây trồng phát triển mạnh và đều. Khi có mưa, cây trồng sẽ không bị sốc nước, hạn chế tình trạng rụng hoa và trái, góp phần nâng cao năng suất khi thu hoạch. “Vườn nhà tôi rộng 2ha. Trước đây, mỗi lần bơm tưới, tôi phải huy động thêm người kéo dây, kéo ống và phải tưới liên tục trong 4 ngày mới xong; có khi tưới được đầu này thì đầu kia đã bị khô. Nhưng từ khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm thì mỗi lần tưới chỉ mất một ngày là xong”, ông Hòa cho biết.

 

Nhiều hộ dân tại Khánh Sơn đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm.
Nhiều hộ dân tại Khánh Sơn đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm.
 
Còn theo ông Đoàn Ngọc Giang (thôn Chi Chay), vườn cây ăn quả của gia đình ông rộng khoảng 1ha. Trước kia, mỗi tháng, ông phải thuê 8 công để bơm tưới cây, tính cả năm mất gần 100 công, chi phí gần 20 triệu đồng. Nhưng hiện nay, với hệ thống tưới tiết kiệm, ông giảm được gần một nửa thời gian, nhân công, lượng điện, nước. Không riêng gì gia đình ông, trong tổ hợp tác trồng sầu riêng xã Sơn Trung (do ông làm tổ trưởng) đã có hơn 10 tổ viên đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. “Với hệ thống tưới tự động, sau khi vận hành, tôi có thể tranh thủ thời gian đi làm việc khác như: tỉa cành, cào bồn, làm cỏ chứ không phải túc trực kéo ống như trước đây nữa. Vì thế, rất có lợi về thời gian và công sức”, ông Giang nói.
 
Ông Mấu Xuân Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Sơn cho biết, trong điều kiện thời tiết nắng hạn ngày càng gay gắt, nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng trên địa bàn huyện ngày một khan hiếm, việc lựa chọn công nghệ tưới tiêu tiết kiệm là điều cần thiết, nhất là khi các cơ sở hội đang tích cực triển khai thực hiện mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP. Công nghệ tưới tiết kiệm giúp cây trồng phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Hiện nay, tuy chưa có con số thống kê cụ thể số hội viên, nông dân sử dụng hệ thống tưới tự động, nhưng mỗi xã cũng đã có hàng chục hộ đầu tư lắp đặt mô hình này.
 
Cần được hỗ trợ
 
Hiện nay, hệ thống tưới tự động được nông dân Khánh Sơn sử dụng chủ yếu là dạng béc, tưới phun sương, nhỏ giọt. Tùy theo địa hình và vị trí của khu vườn so với nguồn nước mà số vốn đầu tư ban đầu giao động từ 15 đến 20 triệu đồng/ha. Đối với những vườn cây đã lắp đặt hệ thống này, hiệu quả mang lại cho cây trồng đã thấy rõ. Tuy nhiên, hầu hết người dân đều gặp khó khăn về kỹ thuật lắp đặt hệ thống. Mặt khác, nguồn vốn đầu tư ban đầu cũng khá lớn đối với nhiều nông hộ tại địa phương.
 
Ông Thái Thanh Hòa chia sẻ: “Ban đầu lắp đặt hệ thống này tôi cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, có khi lắp xong rồi nhưng không theo ý muốn nên phải tháo ra lắp lại. Quá trình sử dụng vừa làm vừa rút kinh nghiệm và học hỏi những hộ khác”.
 
Ông Mấu Xuân Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, năm 2019, hội đã phối hợp mở lớp tập huấn, giới thiệu mô hình tưới tiết kiệm cho hội viên, nông dân tại xã Ba Cụm Bắc. Dự kiến trong thời gian tới, hội sẽ tiếp tục mở lớp tại các địa phương khác theo hình thức hội thảo đầu bờ nhằm giới thiệu, hướng dẫn trực tiếp cho người dân kỹ thuật lắp đặt hệ thống này. “Bên cạnh đó, các cấp hội cũng sẽ tạo điều kiện cho hội viên, nông dân được vay những nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng, cũng như từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để có kinh phí đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm. Hội Nông dân huyện cũng vừa tổ chức giải ngân 200 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân năm 2020 cho 8 hội viên tại xã Sơn Trung để đầu tư chăm sóc, tưới tiêu cho cây trồng”, ông Hạnh nói. 
 
Đinh Luận